Điều 60 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thay đổi người giám hộ, đây là quy định cần thiết vì mục đích của giám hộ là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, do đó, nếu việc giám hộ không đáp ứng được các mục đích này có nguyên nhân từ người giám hộ thì cần phải thay đổi người giám hộ. Tại Điều 60 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 04 trường hợp người giám hộ được thay đổi, gồm:
(1) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện của cá nhân hoặc pháp nhân làm người giám hộ. Điều kiện để làm người giám hộ là căn cứ xác định cá nhân, pháp nhân có đủ tư cách trở thành người giám hộ hay không. Do đó, nếu người giám hộ không còn đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49, Điều 50 thì cần phải thay đổi. Ví dụ: Người giám hộ là cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự do xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác trong thời gian đang tồn tại quan hệ giám hộ thì không đảm bảo điều kiện tại khoản 3 Điều 49 nên cần phải thay đổi người giám hộ khác.
(2) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự; mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại. Khi người giám hộ chết thì đương nhiên quan hệ giám hộ chấm dứt, do đó, người được giám hộ không còn người giám hộ. Vì vậy, cần xác định người giám hộ mới cho người được giám hộ.
Trường hợp cá nhân mất tích, tuy quan hệ giám hộ về mặt pháp lý không đương nhiên chấm dứt nhưng trên thực tế, người được giám hộ cũng không có sự chăm sóc, bảo vệ của người giám hộ do đó, cũng cần có người giám hộ khác cho họ.
Trường hợp pháp nhân làm giám hộ chấm dứt sự tồn tại cũng tương tự như trường hợp cá nhân là người giám hộ chết. Do đó, người được giám hộ cũng cần có người giám hộ khác. Bên cạnh đó, năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng là một trong những điều kiện cần thiết để cá nhân có thể trở thành người giám hộ.
Vì vậy, khi người giám hộ đang có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, theo quyết định của Tòa án trở thành tình trạng không đầy đủ về năng lực hành vi dân sự thì cần thay đổi người giám hộ vì bản thân họ trong những trường hợp này cũng cần được người khác giám hộ cho mình.
(3) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ. Các quy định về nghĩa vụ giám hộ hướng tới mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người giám hộ. Do đó, khi người giám hộ vi phạm nghĩa vụ, đặc biệt là mức độ vi phạm là nghiêm trọng thì không thể đáp ứng được mục đích của việc giám hộ. Vì vậy, cần có sự thay đổi người giám hộ.
(4) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ. Việc thay đổi người giám hộ cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân không liên quan đến các điều kiện giám hộ, tư cách đạo đức, năng lực hành vi dân sự của người giám hộ mà có thể xuất phát từ mong muốn của người giám hộ khi họ đề nghị được thay đổi và có người khác đồng ý thay họ làm người giám hộ.
Điều này là hợp lý và tương đồng với yêu cầu khi xác lập quan hệ giám hộ cần có sự đồng ý của người giám hộ. Có nghĩa là trong quan hệ giám hộ, bản thân người giám hộ phải hoàn toàn tự nguyện thì mới có thể thực hiện được tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Nếu người giám hộ được thay đổi là giám hộ đương nhiên thì cá nhân thuộc các trường hợp quy định về người giám hộ đương nhiên (quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015) sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Nếu không có người giám hộ đương nhiên thì các quy định về việc cử, chỉ định người giám hộ cũng được áp dụng các quy định tương ứng như trường hợp cử, chỉ định người giám hộ đầu tiên.
Thủ tục thay đổi người giám hộ không được quy định chi tiết trong Bộ luật Dân sự năm 2015 mà được pháp luật về hộ tịch quy định.
Điều 60 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa và phát triển các quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự năm 2005. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 60 Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung thêm nhiều quy định như: Thêm các trường hợp thay đổi người giám hộ do bị Tòa án tuyên bố về mức độ năng lực hành vi dân sự không còn đầy đủ; xác định pháp luật về hộ tịch quy định chi tiết về thủ tục thay đổi người giám hộ; bổ sung quy định liên quan đến việc thay đổi người giám hộ trong trường hợp Tòa án chỉ định giám hộ.
Thủ tục đăng ký thay đổi người giám hộ:
Thủ tục thay đổi người giám hộ được quy định tại Điều 23 Luật Hộ tịch năm 2014. Theo đó, trường hợp yêu cầu thay đổi người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và có người khác đủ điều kiện nhận làm giám hộ, thì các bên làm thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ trước đó và đăng ký giám hộ mới theo quy định tại Mục này. Cụ thể thủ tục:
- Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Hộ tịch, nếu thấy việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Thủ tục đăng ký giám hộ cử và đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21 Luật Hộ tịch năm 2014.
Điều 60. Thay đổi người giám hộ
1. Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:
a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật này;
b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;
c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
2. Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật này.
3. Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338