Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó, người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình gây ra mà giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và người bị thiệt hại không giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XX của Bộ luật Dân sự năm 2015 từ Điều 584 đến Điều 608. Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào trong xã hội nhưng không phải chủ thể nào cũng có khả năng thực hiện việc bồi thường, việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường còn phụ thuộc vào năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng chủ thể.
Tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Cụ thể:
(1) Thiệt hại về vật chất: Thiệt hại về vật chất có thể xác định cụ thể thông qua các phương pháp khác nhau và người bị thiệt hại phải chứng minh các thiệt hại xảy ra khi yêu cầu bồi thường. Việc xác định những tổn thất vật chất do danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể bị xâm phạm nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị thiệt hại, chi phí gồm:
- Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại, pháp luật quy định, khi một bên có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho bên kia, thì với tư cách là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm họ có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế, ngăn chặn thiệt hại xảy ra, tại khoản 5 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Song nghĩa vụ này chỉ đặt ra khi bên bị thiệt hại có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại; nếu họ có đủ kiện áp dụng các biện pháp đó có thể sẽ làm phát sinh các khoản chi phí cần thiết, những khoản chi phí này là căn cứ để xác định thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, bởi nếu không có hành vi trái pháp luật của chủ thể thì người bị thiệt hại cũng không cần bỏ chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, việc một chủ thể có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể khiến cho người đó bị mất hoặc giảm sút thu nhập; thu nhập là những khoản thu thường xuyên và hợp pháp trên thực tế của người bị thiệt hại. Thu nhập có thể bị mất hoàn toàn hoặc có thể bị giảm sút, tùy vào từng trường hợp mà mức thiệt hại không giống nhau; thu nhập bị mất là trong quãng thời gian kể từ thời điểm có hành vi gây thiệt hại đến khi khắc phục được thiệt hại đó, người bị thiệt hại không thể làm việc, không có thu nhập mà đáng lẽ họ được hưởng. Bên gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thu nhập mà người bị thiệt hại mất trong quãng thời gian khắc phục, giải quyết thiệt hại; còn thiệt hại bị giảm sút là phần chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra thiệt hại đến khi sự việc được giải quyết, trong trường hợp này, bên gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần chênh lệch này.
- Các thiệt hại khác, liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một chủ thể có thể làm phát sinh những thiệt hại khác phụ thuộc vào từng trường hợp, mà pháp luật không thể liệt kê hết tất cả, quy định này là quy định mở rộng bao hàm các trường hợp còn lại trên thực tế.
(2) Thiệt hại về tinh thần: Thiệt hại về tinh thần không thể xác định cụ thể bằng các đo lường, nhưng bản thân người bị thiệt hại không có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại, đây là những thiệt hại đương nhiên khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; có thể hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể khác không làm phát sinh thiệt hại vật chất, nhưng chắc chắn trong mọi trường hợp đều sẽ phát sinh thiệt hại về tinh thần; vì tinh thần của người bị thiệt dù ít hay nhiều cũng bị ảnh hưởng, mà không phụ thuộc vào mức độ thiệt hại về vật chất lớn hay nhỏ. Mức bồi thường do các bên tự do thỏa thuận, nếu như không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tại Điều 9, Nghị Quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định "về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự". Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự được xác định như sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại gồm Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có). Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau: Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó; Việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết này.
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338