Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được xác định như sau:
Thứ nhất, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Thứ hai, thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Thứ ba, thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Theo quy định trên thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình để đáp ứng nhu cầu về lợi ích của bên có quyền. Nếu bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên có quyền, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bởi mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó, nếu không có thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường. Thiệt hại có thể hiểu là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức. Thiệt hại phải được xác định rõ ràng và trách nhiệm chứng minh thiệt hại thuộc về bên có quyền. Căn cứ vào quy định trên có thể thấy thiệt hại bao gồm hai loại là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất có thể xác định được. Thiệt hại về vật chất có biểu hiện cụ thể là mất tài sản, giảm sút giá trị tài sản, những chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút. Đây là những thiệt hại được biểu hiện cụ thể, các bên có thể dễ dàng nhận biết.
Hành vi gây thiệt hại về tinh thần bao gồm: xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của các chủ thể.
Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe được xác định thông qua các giá trị vật chất của chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức bồi thường thiệt hại tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín được xác định thông qua các chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại. Khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể luật khác có thể quy định về cách thức riêng về thiệt hại. Đó là cơ sở để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại.
Như vậy, có thể thấy, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường cho những thiệt hại như: (1) Thiệt hại về tinh thần, tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể; (2) Thiệt hại về vật chất, giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra (bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại) và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338