Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ Nhà nước. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Tịch thu tài sản" tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định. Tuy nhiên, cần phải hiểu là hình phạt bổ sung này chỉ áp dụng với những trường hợp người phạm tội có thu nhập bất chính, có tài sản là do hành vi phạm tội mà có hoặc trong trường hợp nhận thấy có căn cứ khẳng định nếu không tịch thu tài sản thì người đó sẽ sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm hoặc sẽ tiếp tục thực hiện tội phạm.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung được áp dụng bắt buộc đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác thì Tòa án quyết định áp dụng hay không áp dụng nhưng phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về hình phạt này.
Tài sản bị tịch thu thuộc sở hữu của người bị kết án. Nội dung này cần được hiểu là: Tài sản đó có thể đang được người bị kết án sử dụng hoặc cũng có thể là tài sản mà họ đã cho người khác vay, mượn, thuê, giữ để sử dụng (kể cả để sửa chữa) hoặc đang cầm cố, thế chấp, đang gửi tiết kiệm hoặc tiền trong tài khoản ở ngân hàng, tài sản đứng tên người khác nhưng có đủ căn cứ chứng minh rằng của người phạm tội thì tài sản vẫn bị tịch thu.
Tòa án có thể quyết định tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án. Căn cứ để ra quyết định này là tội phạm cụ thể mà người phạm tội đã thực hiện; tính chất, mức độ nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm gây ra; những khoản thu lợi bất chính và tình hình tài sản của người bị kết án…Nếu tịch thu một phần tài sản của người bị kết án cần xác định rõ phần nào của tài sản bị tịch thu. Trường hợp, tài sản bị tịch thu là tài sản chung thì Tòa án cần xác định phần sở hữu cụ thể hoặc tính phần tài sản của người bị kết án trên tổng giá trị của tài sản chung. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống. Những đồ dùng sinh hoạt tối thiểu thuộc sở hữu của người bị kết án không tịch thu là quần áo, chăn màn, giường chiếu…tối cần thiết cho cá nhân và gia đình; lương thực cần thiets cho cá nhân và gia đình; đồ thờ cúng…
Cần phân biệt tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung với tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt “tịch thu tài sản” gồm 03 nội dung cụ thể như sau:
(1) Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. So với Bộ luật hình sự năm 1999, thay vì quy định là “sung quỹ nhà nước” thì Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “nộp vào ngân sách nhà nước”. Sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp, bởi “quỹ nhà nước” là một từ chung chung, Nhà nước có rất nhiều quỹ khác nhau. Dùng từ “ngân sách nhà nước” đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan.
(2) Đối tượng được áp dụng hình phạt tịch thu tài sản là người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
(3) Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống, quy định này vừa phù hợp nguyên tắc nhân đạo của pháp luật Việt Nam nói chung và Pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng, tuy nhiên trên khía cạnh của người áp dụng quy định này, việc xác định thế nào là tịch thu toàn bộ tài sản nhưng vẫn để cho người bị kết án và gia đình có đủ điều kiện sinh sống? Có phải là điều kiện sống tối thiểu theo chuẩn chung của xã hội? Hay điều kiện sống theo nhu cầu của người và gia đình của người bị kết án?
Điều 45. Tịch thu tài sản
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338