Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết (người để lại di sản) cho người còn sống. Việc chuyển dịch tài sản này được thực hiện theo hai cách thức, đó là viết di chúc để lại tài sản (hay còn gọi là thừa kế theo di chúc) và thừa kế theo pháp luật.
Tại Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm. Theo đó, trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật Dân sự.
Những người thừa kế tài sản của nhau chết cùng thời điểm không phải là trường hợp khó xảy ra, bởi họ có thể chết do một tai nạn hay một sự cố bất kỳ nào đó, song không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được ai chết trước ai chết sau, nên pháp luật quy định có thể suy đoán là chết cùng thời điểm; mỗi người đều có tài sản riêng để lại thừa kế và đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức có quyền được hưởng di sản của nhau. Song bản chất của thừa kế là di chuyển tài sản của người chết sang cho người còn sống, vậy nên trong trường hợp này người thừa kế không có quyền thừa kế nữa vì họ đã chết trước khi quan hệ thừa kế phát sinh; di sản thừa kế của mỗi người sẽ được chia cho những người thừa kế của họ theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định như vậy để việc chia di sản thừa kế được tiến hành bình thường, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác.
Đối với thừa kế thế vị, dù người có quyền thừa kế không được hưởng thừa kế khi người này và người lập di chúc chết cùng thời điểm nhưng nếu người này có con thì khi đó thừa kế thế vị sẽ xảy ra; quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền thừa kế, vì đáng lẽ ra nếu còn sống thì họ cũng sẽ hưởng phần di sản đã được phân chia. Tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Có thể thấy nếu người có quyền thừa kế là con của người để lại di sản mà hai người này chết cùng thời điểm thì con của người có quyền thừa kế, tức là cháu của người để lại di sản, cháu sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ được hưởng nếu còn sống; trường hợp cháu cũng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ được hưởng nếu còn sống.
Đối chiếu quy định trên có thể kết luận rằng, nếu người thừa kế và người lập di chúc chết cùng thời điểm thì người thừa kế không được hưởng phần di sản, trừ trường hợp người có quyền thừa kế là con của người để lại di sản thì con của người có quyền thừa kế sẽ được hưởng phần di sản mà người có quyền thừa kế được hưởng nếu còn sống. Ngoài ra, nếu con của người có quyền thừa kế cũng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản đó.
Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338