Tại Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc xác định cá nhân mất tích hoặc chết. Theo đó, việc xác định một cá nhân mất tích hoặc chết tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về người đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 675. Việc xác định tại Việt Nam một cá nhân mất tích hoặc chết theo pháp luật Việt Nam.
Việc sống hay chết của một con người là vô cùng quan trọng, nó quan trọng đối với không chỉ bản thân người đó mà còn với những người liên quan. Do nhiều lý do khác nhau như thiên tai, tai nạn, chiến tranh... mà nhiều khi sự biến mất của một con người không thực sự rõ ràng, có thể họ đã chết, nhưng có thể họ chưa chết mà đang ở đâu đó song những người còn sống chưa biết, những trường hợp đó thường được coi là mất tích. Với những tình huống như vậy để có cơ sở giải quyết các quan hệ có liên quan đến những người đó và những người còn sống cần phải có một tuyên bố chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ ràng về việc mất tích hay đã chết của cá nhân đó.
Việc tuyên bố một người đã chết hay mất tích thuộc thẩm quyền của Tòa án; khi Tòa án nước nào có thẩm quyền tuyên bố thì trình tự, thủ tục phải tuân thủ theo pháp luật tố tụng dân sự của nước đó. Tòa án Việt Nam có quyền tuyên bố một người là công dân Việt Nam hay công dân nước ngoài đã chết hoặc mất tích theo pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam. Tuy nhiên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, việc xác định một cá nhân là người nước ngoài là đã chết hay mất tích, phải tuân thủ theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng của người đó.
Không có một căn cứ chung nào cho việc xác định một người đã chết hay mất tích trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, mà pháp luật của mỗi quốc gia mà người đó mang quốc tịch sẽ có quy định riêng. Đây là quan hệ nhân thân của cá nhân nên ưu tiên áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch để xác định. Quy phạm ở điều luật này chỉ ra rằng hệ thống pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch chính là cơ sở để xác định về sự kiện chết hoặc mất tích của họ. Một lần nữa hệ thuộc luật quốc tịch lại thể hiện rõ sự gắn bó đối với các quan hệ liên quan đến nhân thân một con người, hơn hết nó là sự gần gũi, gắn bó của một con người với một đất nước.
Trong trường hợp đặc biệt nếu người mất tích hoặc chết tại Việt Nam dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, thì việc tuyên bố họ là đã chết hay mất tích phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; lúc này pháp luật xem xét đến yếu tố nơi xảy ra vụ việc, chứ không căn cứ vào hệ thuộc luật quốc tịch nữa. Ví dụ một người nước ngoài tới Việt Nam du lịch, không may trong lúc tắm biển đã bị sóng cuốn, nếu có yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tòa án Việt Nam xác định người đó là chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật Việt Nam mà không theo quy định của pháp luật nước người đó là công dân theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 675 Bộ luạt Dân sự năm 2015.
Điều 675. Xác định cá nhân mất tích hoặc chết
1. Việc xác định một cá nhân mất tích hoặc chết tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về người đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc xác định tại Việt Nam một cá nhân mất tích hoặc chết theo pháp luật Việt Nam.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338