Tại Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện của pháp nhân. Theo đó, đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần quy định về pháp nhân.
Pháp nhân là sự gắn kết của một tập thể cá nhân hoặc pháp nhân khác nên không phải trong mọi hoạt động của pháp nhân đều có sự tham gia của tất cả các thành viên pháp nhân. Hoạt động của pháp nhân thông qua vai trò của nhiều cá nhân khác nhau, trong đó cá nhân có vai trò trực tiếp, quan trọng nhất là nguời đại diện của pháp nhân. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (là nguời đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người đại diện của pháp nhân bao gồm: Người đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Việc xác lập đại diện, phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đại diện, việc chấm dứt đại diện của pháp nhân áp dụng các quy định tại Chương IX Phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:
(1) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ (đổi với những pháp nhân bắt buộc phải có điều lệ);
(2) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
(3) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án (Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Một quy định đột phá trong Điều luật này so với Bộ luật Dân sư năm 2005 là thừa nhận một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo ghi nhận trong điều lệ hay quyết định thành lập pháp nhân. Quy định này cũng tương thích với Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Pháp luật quy định pháp nhân có nhiều người đại diện nhằm tạo điều kiện cho pháp nhân thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân được thuận lợi trong các giao dịch, trong sản xuất, kinh doanh.
Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập giữa người đại diện theo pháp luật của pháp nhân với cá nhân, pháp nhân khác. Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân cũng nhân danh pháp nhân thực hiện những nhiệm vụ cụ thể do pháp nhân giao. Việc xác định quyền hạn, trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền được xác định dựa trên văn bản ủy quyền đã được ký kết.
Điều 85. Đại diện của pháp nhân
Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338