Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Giám hộ là chế định nhằm khắc phục tình trạng của người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình hay nói cách khác thì họ không có khả năng hoặc có sự hạn chế trong thực hiện năng lực hành vi dân sự của mình. Theo quy định pháp luật, cụ thể là Điều 52, 53, 54 Bộ luật Dân sự 2015 có hai hình thức giám hộ là:
- Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ mà người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân bao gồm cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác.
- Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.
Giám hộ là chế định được quy định để đảm bảo sự bình đẳng trong việc tham gia các quan hệ dân sự của các chủ thể không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Theo đó, các chủ thể này vì những lý do còn khuyết thiếu về sức khỏe tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi… không thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như khó có khả năng tự chăm lo cho đời sống của bản thân.
Thông qua chế định giám hộ, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được đảm bảo và được “trợ giúp” bởi người giám hộ và các chủ thể có liên quan. Vi Điều luật khái quát bốn nội dung chính, bao gồm: các hình thức giám hộ, mục đích của việc giám hộ, người được giám hộ và thủ tục xác lập việc giám hộ. Theo đó, quan hệ giám hộ có thể được xác lập thông qua 04 hình thức là:
(1) theo quy định của pháp luật;
(2) theo việc cử của Ủy ban nhân dân cấp xã;
(3) theo sự chỉ định của Tòa án;
(4) theo sự chỉ định của chính người được giám hộ ở thời điểm họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Mục đích của việc giám hộ là: chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Người được giám hộ gồm có ba trường hợp là:
(1) người chưa thành niên (được quy định chi tiết tại Điều 47 Bộ luật Dân sự);
(2) người mất năng lực hành vi dân sự (được xác định theo Điều 22);
(3) người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi (được xác định theo Điều 23 Bộ luật Dân sự).
Thủ tục xác lập việc giám hộ yêu cầu phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (theo quy định của pháp luật về hộ tịch). Với trường hợp xác lập việc giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì còn cần có sự đồng ý của người đó (nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu).
Đối với người giám hộ đương nhiên, trong trường hợp thủ tục đăng ký việc giám hộ chưa được thực hiện thì họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ (Điều 55, Điều 56, Điều 57 Bộ luật Dân sự).
So sánh với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khái quát những quy định chung về giám hộ và để những nội dung chi tiết được quy định cụ thể trong các điều luật kế tiếp. Điều 46 cũng đã mở rộng thêm hai hình thức giám hộ là: Giám hộ do Tòa án chỉ định và giám hộ do chính bản thân người được giám hộ chỉ định (khi họ vẫn trong tình trạng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ).
Người được giám hộ cũng bổ sung thêm người có khó khăn do nhận thức và làm chủ hành vi. Thủ tục giám hộ được yêu cầu phải thực hiện việc đăng ký và chi tiết của thủ tục được chỉ dẫn tới các quy định trong pháp luật về hộ tịch.
Trong quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 46 có sự chưa rõ ràng và có thể dẫn đến những cách hiểu chưa thống nhất. Cụ thể, khoản 2 có đưa ra yêu cầu khi xác lập việc giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có “sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu”.
Trong quy định này, “thời điểm yêu cầu là một nội dung chưa thực sự rõ ràng. Bởi vì, nếu hiểu thời điểm yêu cầu là thời điểm chỉ định người giám hộ theo khoản 2 của Điều 48 Bộ luật Dân sự thì quy định tại Điều 46 Bộ luật này là không cần thiết vì đương nhiên, người giám hộ được lựa chọn theo chính sự chỉ định của người sau này rơi vào tình trạng có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Nếu hiểu thời điểm yêu cầu là thời điểm chính thức xác lập việc giám hộ thì việc đồng ý của người được giám hộ cũng là không cần thiết vì họ đã có văn bản chỉ định có công chứng hoặc chứng thực. Còn nếu hiểu việc đồng ý này chỉ đặt ra đối với những trường hợp giám hộ không theo chỉ định của bản thân người được giám hộ (theo pháp luật, theo cử của Ủy ban nhân dân, theo chỉ định của Tòa án) thì quy định như khoản 2 Điều 46 Bộ luật Dân sự là chưa đầy đủ.
Trong sự thống nhất giữa các điều luật, khoản 2 này có lẽ cần bổ sung thêm nội dung yêu cầu về sự đồng ý của người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi khi được xác lập người giám hộ chỉ đặt ra trong những trường hợp không thuộc vào khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự.
Theo quy định tại khoản 3 của Điều 46 Bộ luật Dân sự thì hậu quả pháp lý của việc người giám hộ đương nhiên không đăng ký việc giám hộ cũng có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Như cách quy định hiện tại thì việc đăng ký là bắt buộc đối với giám hộ nhưng nếu không đăng ký thì người giám hộ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ. Điều này có thể hiểu là:
- Người giám hộ đương nhiên vẫn xác lập việc giám hộ không cần thực hiện thủ tục đăng ký; hoặc
- Người giám hộ đương nhiên khi không đăng ký chỉ có nghĩa vụ của người giám hộ chứ không có quyền của người giám hộ.
Cả 02 cách hiểu này đều có những bất cập nhất định. Nếu loại trừ thủ tục đăng ký cho người giám hộ đương nhiên thì không cần thiết phải ghi thêm việc người này chỉ có nghĩa vụ. Nếu người giám hộ đương nhiên chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền thì quan hệ giám hộ trong trường hợp này chắc khó có thể thực hiện bởi quyền và nghĩa vụ của người giám hộ trong quan hệ giám hộ là gắn liền với nhau, nhằm thực hiện mục đích giám hộ, đảm bảo quyền lợi cho người được giám hộ.
Hơn thế nữa, trong trường hợp người giám hộ chỉ có nghĩa vụ thì trong quan hệ giám hộ, việc xác định người có quyền cũng không rõ ràng, có phải người được giám hộ là người có quyền hay người giám sát giám hộ là người có quyền? Do đó, ý tưởng của các nhà làm luật trong quy định này cần được thể hiện hợp lý và nhất quán hơn.
Điều 46. Giám hộ
1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338