Hiện nay quyền sử dụng đất là một tài sản đặc biệt thuộc nhóm quyền tài sản mà pháp luật thừa nhận thuộc quyền sở hữu của người sử dụng đất. Quyền sử dụng đất luôn gắn liền với đất đai - tài sản thuộc quyền sở hữu của toàn dân, cho nên quyền sử dụng đất có tính đặc thù như thời hạn sử dụng đất do pháp luật quy định nên hết thời hạn đó người sử dụng đất chấm dứt quyền sử dụng đất của mình.
Quyền sử dụng đất được thừa nhận là đối tượng trong các giao dịch. Các giao dịch về quyền sử dụng đất đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau. Sự khác nhau này xuất phát từ đặc thù của quyền sử dụng đất so với các giao dịch về tài sản nói chung và quyền tài sản thông thường nói riêng. Các giao dịch về quyền sử dụng đất bao gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... Quyền sử dụng đất gắn liền với đất đai, cho nên các giao dịch về quyền sử dụng đất được áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật đất đai để điều chỉnh. Thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch liên quan quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định riêng trong Luật đất đai cũng như các luật khác có liên quan.
Tại Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng về quyền sử dụng đất. Theo đó, hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Quy định tại Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy, chuyển quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất được phép chuyển quyền sử dụng đất đối với các phần diện tích thuộc quyền sử dụng tương ứng với nghĩa vụ thực hiện với Nhà nước, bao gồm chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là một trong các hình thức của chuyển quyền sử dụng đất nói chung. Hợp đồng về quyền sử dụng đất bao gồm nhiều loại hợp đồng khác nhau gồm:
- Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất, trong hợp đồng này các bên chuyển giao đất đai và quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của pháp luật. Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất xuất phát từ bản chất của hợp đồng trao đổi tài sản, đối với hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất chỉ được phép chuyển đổi cho nhau quyền sử dụng đất từ chủ thể này sang chủ thể khác.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên chuyển quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng thì trả tiền cho bên chuyển nhượng. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng có quyền khai thác lợi ích, tiềm năng của đất và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên chuyển nhượng một khoản tiền, gọi là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, bên cho thuê chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên thuê trong một thời hạn nhất định, bên thuê có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, trả tiền thuê, và đất đai khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Việc cho thuê đất tạo điều kiện cho những người lao động thiếu đất có đất để canh tác, giúp các chủ thể thuê đất khắc phục khó khăn về kinh tế, sản xuất, kinh doanh.
- Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, bên thuê quyền sử dụng đất chuyển giao cho chủ thể khác quyền sử dụng đất trong thời hạn nhất định, bên thuê lại có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, trả tiền thuê và đất đai khi hết thời hạn thuê. Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê lại có phát sinh hay không phụ thuộc vào ý chí của bên cho thuê ban đầu. Bên cho thuê lại chỉ được cho thuê lại khi bên cho thuê đồng ý. Việc cho thuê lại quyền sử dụng đất phải phù hợp với hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất ban đầu về các nội dung như thời hạn thuê, mục đích thuê…Hợp đồng cho thuê lại tách biệt với hợp đồng cho thuê, tức, bên thuê lại chỉ phải chịu trách nhiệm trước bên cho thuê lại, mà không phải chịu trách nhiệm với bên chủ sở hữu của quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho, mà không yêu cầu phải đền bù. Như vậy bên được tặng cho được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không phải thanh toán cho bên tặng cho bất kỳ khoản tiền nào.
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, bên sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia. Đây là một dạng của hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận thế chấp chỉ nắm giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của mình với tài sản, còn bên thế chấp vẫn chiếm giữ tài sản và được tiếp tục sử dụng tài sản. Thông thường, thế chấp quyền sử dụng đất được áp dụng khi chủ thể cần vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Ngân hàng tiến hành nắm giữ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng và chuyển giao cho họ khoản tiền vay phù hợp, chủ thể thế chấp quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo cho việc trả nợ của mình khi đến hạn.
- Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, người sử dụng đất góp phần vốn của mình là quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình hoặc chủ thể khác. Không chỉ tiền mặt mới được dùng để góp vốn sản xuất, kinh doanh, mà các chủ thể cúng có thể góp bằng quyền sử dụng đất của mình.
Điều 500. Hợp đồng về quyền sử dụng đất
Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338