Language:
Khái niệm tội phạm về chức vụ (Điều 352)
05/09/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 là chương quy định tác tội phạm về chức vụ, gồm 15 Điều luật cụ thể như sau: Khái niệm tội phạm về chức vụ (Điều 352); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362); Tội đào nhiệm (Điều 363); Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 366). Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích Khái niệm tội phạm về chức vụ quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của các tội phạm về chức vụ được qui định tại Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Người có chức vụ ở đây có thể là người do bổ nhiệm, do dân cử hoặc là do hợp đồng hoặc một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó. Những người khác có thể là chủ thể của các tội phạm này trong trường hợp đồng phạm. Người có chức vụ thường có thể là những người sau đây:

- Người đại diện chính quyền, tức là người có quyền ra những quyết định có tính chất bắt buộc đối với người khác. Trong một số trường hợp nhất định, họ còn có thể áp dụng một số biện pháp cưỡng chế đối với người khác như người đại diện Uỷ ban nhân dân các cấp, đại diện cơ quan công an, thanh tra, hải quan… Dân quân, du kích, thanh niên cờ đỏ, dân phòng hoặc bất kỳ người nào khi được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh cũng được coi là người đại diện chính quyền, vì trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình họ có quyền ra quyết định mang tính bắt buộc đối với người khác.

- Người thực hiện chức năng tổ chức, quản lý đối với người khác là người giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… Những người này có quyền theo dõi, chỉ đạo, tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, đề bạt, kỷ luật… đối với nhân viên’dưới quyền.

- Người có chức năng quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài sản,… như kế toán trưởng, thủ quỹ, thủ kho, người quản lý vật tư, hàng hoá, nhân viên bán hàng,…

Đối với một số trường hợp, chủ thể của tội phạm quy định trong Chương XXI Bộ luật Hình sự không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng người có chức vụ quyền hạn để xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan hoặc tổ chức như: tội đưa hối lộ; tội làm môi giới hối lộ…

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của các tội phạm về chức vụ xâm phạm là sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan hoặc tổ chức. Ngoài ra, một số tội phạm này còn xâm phạm quan hệ sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc quy định các tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu không chỉ nhằm bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của các tổ chức đạt hiệu quả mà còn bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, của các tổ chức, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mỗi cơ quan hoặc tổ chức có một chức năng, nhiệm vụ nhất định và hoạt động trên cơ sở các qui định của Nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật hoặc điều lệ. Việc qui định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước và của các tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức được hiểu là hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật. Mọi hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đều có thể gây thiệt hại ở những mức độ khác nhau cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Các tội phạm về chức vụ có thể được thực hiện do lỗi cố ý hoặc do lỗi vô ý. Phần lớn các tội phạm về chức vụ được thực hiện do lỗi cố ý như các tội phạm về tham nhũng. Đối với các tội phạm về chức vụ do lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hành vi đó xảy ra.

Đối với các tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, người phạm tội thấy được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc không thấy trước được khả năng sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Những người này phạm tội là do tắc trách, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với chức năng, nhiệm vụ của mình nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của các tội phạm về chức vụ được thể hiện ở hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành công vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Việc thực hiện các hành vi này của người có chức vụ, quyền hạn phải liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà người phạm tội được cơ quan, tổ chức giao cho. Nếu thiếu dấu hiệu này, thì hành vi vi phạm pháp luật do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không cấu thành tội phạm về chức vụ.

Hành vi phạm tội về chức vụ có thể biểu hiện cả dưới dạng hành động hoặc không hành động. Người có chức vụ, quyền hạn có thể trực tiếp lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình (trong phạm vi thẩm quyền công tác) để phạm tội hoặc lợi dụng địa vị, uy tín, mối quan hệ trong công tác, khả năng, điều kiện để thúc đẩy người khác có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép (ngoài phạm vi thẩm quyền công tác). Hành vi phạm tội về chức vụ dưới hình thức không hành động được thể hiện ở chỗ, người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hoặc không làm một việc phải làm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ

1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Chức vụ quyền hạn Tội phạm chức vụ Khái niệm tội phạm về chức vụ Chương tội phạm về chức vụ Nhóm tội phạm về chức vụ Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức Tội phạm do người có chức vụ thực hiện Thực hiện nhiệm vụ công vụ Người có chức vụ là người do bổ nhiệm Người có chức vụ là người do bầu cử Người có chức vụ là người do hợp đồng Người có chức vụ có hưởng lương hoặc không hưởng lương Có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 Được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định Dịch vụ luật sư Dịch vụ pháp lý Đoàn luật sư Hà Nội luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư tư vấn đất đai Luật sư nhà đất Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp Luật sư sở hữu trí tuệ luật sư lao động Văn phòng luật Văn phòng luật sư Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư Hà Nội Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội 0983951338 0936683699