Khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại những điều cần lưu ý?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, được tiến hành qua những trình tự, thủ tục đã được quy định cụ thể, dưới đây chúng tôi xin được khái quát về trình tự, thủ tục tố tụng trong vụ án kinh doanh thương mại để quý khách nắm được để phối hợp với luật sư trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án.
1. Chuẩn bị và nộp khởi kiện
Trước khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng thương mại, bạn cần lưu ý thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự về hợp đồng thương mại. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu (thường có thể hiểu là bên bị vi phạm) biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Nguyên đơn (người có yêu cầu khởi kiện) chuẩn bị đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Đơn khởi kiện này được gửi cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong những cách thức sau: Nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện hoặc trực tuyến qua cổng thông tin điện tử (cách này được thực hiện đối với Tòa án đã có cổng thông tin điện tử tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Tòa án nơi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến gửi email phản hồi về việc nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn).
Kèm theo đơn khởi kiện, nguyên đơn cần phải chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Các tài liệu đó trong vụ việc của bạn có thể là:
- Hợp đồng thương mại;
- Chứng từ, tài liệu chứng minh về việc chậm thanh toán theo hợp đồng;
- Các tài liệu khác có liên quan.
2. Xử lý đơn khởi kiện
Ở giai đoạn tố tụng này, phía Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các công việc sau đây:
- Tiếp nhận đơn khởi kiện, Chánh án tòa án nhân dân có thẩm quyền phân công Thẩm phán xử lý đơn khởi kiện.
- Sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp đơn khởi kiện chưa đúng, chưa đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định.
- Trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp không đảm bảo quy định của pháp luật, ví dụ như người khởi kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện, quá thời hiệu khởi kiện,... theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Thông báo mức tạm ứng án phí đối với đương sự. Ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu đương sự không nộp đầy đủ tạm ứng án phí theo quy định pháp luật.
- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có) trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện.
- Quyết định và gửi thông báo thụ lý vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại tới các đương sự theo quy định pháp luật.
3. Chuẩn bị xét xử
Đây là bước rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc. Thời gian chuẩn bị xét xử là không quá 04 tháng, trong trường hợp đặc biệt thì thời gian này là không quá 06 tháng. Tòa án thực hiện các công việc sau đây:
- Thông báo cho các đương sự về phiên giao nộp, công khai, tiếp cận chứng cứ và hòa giải tại Tòa án nhân dân.
- Bị đơn có quyền gửi yêu cầu phản tố/Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền gửi đơn yêu cầu độc lập và chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu này tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
- Hòa giải tại Trung tâm hòa giải ngoài tòa án nhân dân.
- Tiếp nhận các chứng cứ bổ sung (nếu có).
- Các bên có thể đề nghị Tòa án công nhận về việc hòa giải thành ngoài tòa án hoặc hòa giải thành trong quá trình chuẩn bị xét xử.
- Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định đưa vụ án ra xét xử sau khi không có kết quả hòa giải thành trong quá trình chuẩn bị xét xử.
4. Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại
- Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định pháp luật.
- Việc xét xử được thực hiện dựa trên phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự.
- Các bên có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Từ nội dung trên, chúng tôi đã khái quát toàn bộ trình tự, thủ tục tố tụng (thực hiện khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm) cơ bản nhất được áp dụng khi quý khách tiến hành khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng thương mại. Tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà có thể phát sinh thêm các công việc hoặc các quy trình khác, ví dụ như: Thủ tục giải quyết rút gọn vụ án dân sự sơ thẩm, đình chỉ/tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm; thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án...
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338