Luật sư tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Trong một vụ án giải quyết tranh chấp lĩnh vực kinh doanh, thương mại, luật sư có quyền tham gia giải quyết vụ án từ rất sớm, vai trò của luật sư hiện hữu trong tất cả các quá trình giải quyết vụ án của tòa án, luật sư là người am hiểu quy định pháp luật và trình tự - thủ tục tố tụng nên sẽ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
1. Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Các yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
- Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
- Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
- Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự giải quyết vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.
4. Thời hạn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 203, Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì tùy thuộc vào tính chất của mỗi vụ việc, thời hạn chuẩn bị xét xử thường kéo dài từ 02 đến 04 tháng.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
5. Công việc luật sư của chúng tôi sẽ cùng khách hàng thực hiện trong vụ án kinh doanh, thương mại
- Trao đổi để nắm bắt thông tin vụ việc, vấn đề đang tranh chấp và mong muốn của khách hàng là gì.
- Yêu cầu khách hàng xuất trình những tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
- Xác định thẩm quyền tòa án giải quyết.
- Tư vấn giúp khách hàng nắm bắt trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án có thẩm quyền.
- Hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu, chứng cứ.
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ có liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Soạn đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.
- Tham gia hòa giải tại tòa án có thẩm quyền.
- Yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Tham gia xét hỏi và tranh luận đối đáp tại phiên tòa.
- Soạn thảo đơn kháng cáo.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338