Tại Điều 446 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ bảo hành. Theo đó, bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.
Theo quy định pháp luật, bảo hành sản có thể hiểu là cam kết của nhà sản xuất hoặc người bán hàng về việc sửa chữa hoặc thay thế miễn phí trong trường hợp hàng hóa bị hỏng hóc, khuyết tật theo quy định cụ thể về điều kiện bảo hành, và được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định mà bên bán đưa ra. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu cùng và cũng để giữ tín nhiệm với khách hàng, các nhà sản xuất đặt ra cho mình nghĩa vụ là sửa chữa hàng hóa đã bán cho người mua trong một thời hạn nhất định. thời hạn đó gọi là thời hạn bảo hành. Trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
Bên bán phải bảo đảm vật bán đúng chất lượng như đã thỏa thuận, nếu chất lượng vật không đúng như vậy thì phải sửa chữa vật hoặc chịu những chi phí về sửa chữa. Sau khi mua vật về sử dụng, vật bị hư hỏng, khuyết tật mà không phải do lỗi của người mua thì bên bán hàng hóa phải sửa chữa. Vì vậy, bên bán có nghĩa vụ vận chuyển đến nơi sửa chữa và sau khi sửa chữa xong phải trả lại vật cho người mua tại nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua nếu không có thỏa thuận khác. Trường hợp nếu không sửa chữa được vật, bên bán phải giảm giá vật bán hoặc đổi cho người mua vật khác. Nếu người mua không chấp nhận giảm giá hoặc đổi vật khác thì bên bán phải trả lại tiền và nhận lại vật.
Trong thời hạn bảo hành vật bị hư hỏng do lỗi của người mua, bên bán không phải sửa chữa nhưng nếu do khuyết tật về kĩ thuật mà vật bị hư hỏng và gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho người mua hoặc người khác, bên bán có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại đó. Bảo hành là 1 biện pháp khắc phục hậu quả do sai sót về kĩ thuật của người sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, nó tạo ra tâm lí an tâm cho người mua trong quá trình sử dụng tài sản, từ đó khuyến khích mọi người mua những hàng hóa có bảo hành.
Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Thời hạn bảo hành được xác định kể từ thời điểm bên mua phải nhận vật. Thời điểm mà bên mua phải nhận vật, khác với thời điểm bên mua nhận vật. Hai thời điểm có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau, thời điểm bên mua phải nhận vật được hiểu là thời điểm bên mua phải thực hiện nghĩa vụ tiếp nhận sự chuyển giao tài sản của bên bán theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 446. Nghĩa vụ bảo hành
Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338