Hiện nay hợp đồng gửi giữ tài sản là một giao dịch dân sự phổ biến, sự phát triển của mạng lưới dịch vụ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân, giảm bớt tình trạng mất mát và đảm bảo sự an toàn cho tài sản. Tại Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Tại Điều 555 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên gửi tài sản. Theo đó, khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận. Cụ thể:
Nghĩa vụ thông báo cho bên giữ tài sản biết về tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp, việc thông báo về tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản tài sản là nghĩa vụ vụ bắt buộc và hoàn toàn phù hợp; bởi bản chất của hợp đồng gửi giữ không chỉ đơn giản là trông coi mà còn phải bảo quản, giữ gìn tài sản và sau thời hạn thực hiện hợp đồng thì tài sản được trả lại cho bên gửi, tài sản sau thời hạn gửi giữ nếu có hư hỏng, mất mát thì bên giữ tài sản phải chịu trách nhiệm. Việc thông báo về tính trạng của tài sản là căn cứ để xác định trách nhiệm của bên giữ tài sản; một số trường hợp, đối với những tài sản khó bảo quản thì bên gửi còn có nghĩa vụ đóng gói theo quy định pháp luật sau đó mới giao cho bên giữ tài sản.
Bộ luật dân sự xác định thời điểm để bên gửi tài sản thực hiện nghĩa vụ nói trên là thời điểm giao tài sản. Việc báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và yêu cầu biện pháp bảo quản tài sản là nghĩa vụ phù hợp của bên gửi tài sản. Vì bản chất của hợp đồng gửi giữ là bên giữ phải trông coi, bảo quản tài sản và trả lại chính tài sản đó sau một thời hạn, vì thế nếu bên gửi không thông báo về tình trạng và yêu cầu đòi hỏi đối với quy cách bảo quản loại tài sản, đặc biệt là những tài sản dễ bị hư hỏng hoặc có quy trình bảo quản nghiêm ngặt sẽ gây ra thiệt hại cho bên gửi tài sản và vô tình ảnh hưởng tới bên giữ. Điều luật cũng khẳng định, nếu không thông báo mà gây ra thiệt hại, bên giữ không phải chịu trách nhiệm. Đây là một quy định triệt để để xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên gửi tài sản.
Nghĩa vụ phải trả đủ tiền công theo thỏa thuận, đây là nghĩa vụ áp dụng với quan hệ gửi giữ có đền bù, tức các bên có thỏa thuận về tiền công giữ tài sản; đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên gửi là trả đủ tiền công để đảm bảo quyền lợi cho bên giữ, thường thì thỏa thuận về tiền công gửi giữ thường diễn ra khi bên giữ tài sản là chủ thể kinh doanh dịch vụ gửi giữ, nếu các bên có thỏa thuận về tiền công giữ tài sản, thì bên gửi có nghĩa vụ thanh toán tiền công cho bên giữ tài sản, việc thanh toán phải đảm bảo thanh toán đủ tiền công, thanh toán đúng thời hạn, thanh toán đúng phương thức.
Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ thông báo, thông báo về tình trạng của tài sản và cách bảo quản là nghĩa vụ bắt buộc khi chủ thể tham gia vào hợp đồng gửi giữ tài sản. Nếu bên gửi tài sản không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ này thì bị xem là hành vi vi phạm nghĩa vụ. Trường hợp bên gửi tài sản không thông báo, cung cấp thông tin cần thiết cho bên giữ tài sản thì phải chịu những rủi ro xảy ra với tài sản và nếu gây thiệt hại thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Điều 555. Nghĩa vụ của bên gửi tài sản
1. Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338