Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Tại Điều 526 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của hành khách. Theo đó, hành khách phải có nghĩa vụ trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định và tự bảo quản hành lý mang theo người; Có mặt tại điểm xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; Tôn trọng, chấp hành đúng quy định của bên vận chuyển và quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông. Cụ thể:
Nghĩa trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá hạn mức quy định, pháp luật ghi nhận nghĩa vụ của hành khách trong việc phải thanh toán cước phí vận chuyển. Thông thường cước phí được tính dựa trên chi phí vận chuyển của hành khách, còn việc vận chuyển hành lý thuộc nghĩa vụ bắt buộc của bên vận chuyển. Khi cung cấp dịch vụ vận chuyển, bên vận chuyển phải đảm bảo vận chuyển và bảo quản của hành lý của hành khách; tùy vào từng phương tiện vận chuyển mà pháp luật quy định cụ thể khối lượng hành lý tối đa mà khách hàng được mang theo, trên cơ sở đó mà mỗi nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quy định cụ thể trong lượng hành lý mà khách hàng được mang theo. Do đó, khi vượt quá trọng lượng theo quy định thì khách hàng phải thanh toán thêm chi phí cho phần vượt quá đó, quy định này nhằm hạn chế việc hành khách mang theo quá nhiều hành lý khi di chuyển khiến cho phương tiện vận chuyển vượt quá trọng tải. Mỗi phương tiện cụ thể đều có trọng lượng vận tải riêng, nếu vượt quá trọng lượng đó sẽ khiến cho việc di chuyển không an toàn, dễ gặp rủi ro gây thiệt hại về người và tài sản.
Nghĩa vụ tự bảo quản hành lý mang theo người, không phải tài sản nào bên vận chuyển cũng có nghĩa vụ bảo quản thay cho hành khách, theo đó, họ có nghĩa vụ phải tự bảo quản hành lý đem theo bên người. Trong trường hợp có mất mát, hư hỏng đối với hành lý này thì bên vận chuyển không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Những hành lý mà hành khách đem theo người như tiền mặt, điện thoại… thì hành khách có nghĩa vụ tự bảo quản.
Nghĩa vụ có mặt tại địa điểm xuất phát đúng thời gian đã quy định, hành khách cũng có nghĩa vụ bắt buộc trong việc có mặt tại địa điểm xuất phát theo đúng thời hạn quy định. Thời gian đã được quy định được hiểu là thời gian do các bên thỏa thuận hoặc theo thông báo của bên vận chuyển. Nghĩa vụ này không phát sinh đối với phương tiện vận chuyển đưa đón tận nơi như taxi, xe ôm. Bởi khi di chuyển bằng những phương tiện này, các bên có thỏa thuận về việc bên vận chuyển phải đến địa điểm xuất phát để chuyên chở hành khách theo đúng thời gian đã thỏa thuận. Còn đối với những phương tiện ấn định sẵn thời gian, địa điểm xuất phát như xe buýt, xe khách, máy bay, tàu hỏa… thì hành khách bắt buộc phải đến đúng giờ về đúng địa điểm...
Nghĩa vụ tôn trọng, chấp hành quy định của bên vận chuyển và quy định khác đảm bảo an toàn giao thông, pháp luật buộc hành khách phải chấp hành đúng mọi quy định của bên vận chuyển và các quy định khác liên quan đến an toàn giao thông do Nhà nước quy định. Trường hợp bên vận chuyển yêu cầu hành khách phải mua vé trước khi di chuyển thì hành khách chỉ được lên phương tiện vận chuyển khi có vé hợp lệ. Vé là chứng từ thu tiền cước của khách hàng, là chứng từ hợp pháp để bảo hiểm hành khách theo điều lệ của bảo hiểm hành khách. Đây là nghĩa vụ cơ bản, quan trọng của hành khách trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển.
Điều 526. Nghĩa vụ của hành khách
1. Trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định và tự bảo quản hành lý mang theo người.
2. Có mặt tại điểm xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận.
3. Tôn trọng, chấp hành đúng quy định của bên vận chuyển và quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338