Ngoài việc hoàn trả giá trị tài sản gốc theo quy định tại Điều 580 Bộ luật này, người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cả hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản gốc. Theo quy định pháp luật thì hoa lợi, lợi tức là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, những khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản, về nguyên tắc chỉ có chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác với tài sản mới có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản đem lại; vì thế chủ thể chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả không chỉ tài sản mà mình chiếm hữu bất hợp pháp mà còn phải hoàn trả cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Khác với nghĩa vụ hoàn trả tài sản gốc, là trong mọi trường hợp kể cả chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình thì chủ thể vẫn hoàn trả toàn bộ tài sản; nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức lại phụ thuộc vào ý chí của người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản tại thời điểm chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi.
Tại Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức. Theo đó, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự. Cụ thể:
Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng không ngay tình thì phải hoàn trả toàn bộ hoa lợi, lợi tức thu được kể từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản, người không ngay tình là người biết rõ việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản của mình là bất hợp pháp, họ biết rõ mình không có quyền với tài sản đó nhưng lại im lặng và tiếp tục chiếm hữu, sử dụng tài sản; người không ngay tình không được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản đem lại, vì thế làm phát sinh nghĩa vụ của họ trong việc phải hoàn trả toàn bộ hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản.
Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì chỉ cần hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật, người ngay tình là người nghĩ rằng việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình là hợp pháp, họ tin rằng mình có quyền đối với tài sản đó, nhưng để được hưởng hoa lợi, lợi tức người chiếm hữu ngay tình phải đảm bảo các điều kiện nhất định như: Chiếm hữu liên tục; chiếm hữu công khai.
Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật thì phải có nghĩa vụ hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức từ tài sản cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản, pháp luật loại trừ trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác. Đây là trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu; căn cứ vào thời hạn chiếm hữu, sử dụng tài sản mà đến một khoảng thời gian nhất định tài sản đó đương nhiên thuộc về quyền sở hữu của người đó, khi tài sản thuộc về quyền sở hữu của người đó thì đương nhiên hoa lợi, lợi tức cũng thuộc về người này.
Nếu người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì chỉ hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Quy định này là phù hợp, thể hiện sự thống nhất với các quy định có liên quan trong Bộ luật Dân sự quy định tại khoản 3 Điều 184; người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại. Trong trường hợp người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo thời hiệu được quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự thì nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức sẽ không đặt ra.
Điều 581. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338