Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em, nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về "Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tinh thần của nguyên tắc này, lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi được đặt lên hàng đầu khi người áp dụng pháp luật cân nhắc và quyết định biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này có ý nghĩa là khi xử lý người dưới 18 phạm tội, người áp dụng pháp luật không được vì các mục tiêu khác (kể cả mục tiêu bảo vệ trật tự, an toàn xã hội) mà lựa chọn hướng xử lý không đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18.
Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng tiếp tục quy định việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là nguyên tắc được thể hiện trong cả Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 1985 của nước ta. Với nguyên tắc này, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải đặt trọng tâm vào việc giáo dục để người dưới 18 tuổi nhận ra được sai lầm của mình, giúp đỡ để họ sửa chữa sai lầm đó và tạo cho họ những cơ hội cần thiết để họ cso thể phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội.
Các nguyên tắc xử lý này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, từ việc lựa chọn hình thức, biện pháp xử lý đến cách thức áp dụng hình thức, biện pháp xử lý đó.
Tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi họ phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Chỉ khi xem xét tất cả những yếu tố về khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người dưới 18 tuổi và nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm, người áp dụng pháp luật mới đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp đối với trường hợp cụ thể đó.
Đặc biệt, tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể các trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp này trong xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Để có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều này, điều kiện bắt buộc thứ nhất là tội mà người dưới 18 tuổi thực hiện phải thuộc một trong các trường hợp được liệt kê sau đây:
(1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (Tội hiếp dâm);…
(2) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án. Cùng với điều kiện về tội đã thực hiện hoặc vai trò trong vụ án đồng phạm nêu trên, điều kiện thứ hai để người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều này là người đó có nhiều tình tiết giảm nhẹ (từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, có thể là tình tiết thuộc khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả của tội phạm mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nói chung. Người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 91 được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là triển khai, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 khẳng định nguyên tắc việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Quy định này nhằm hạn chế việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp không thực sự cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với họ.
Tại Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục khẳng định yêu cầu cân nhắc khả năng miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục nêu trên hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng khi xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội và chỉ áp dụng hình phạt đối với họ khi việc áp dụng các biện pháp trên không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Quy định này cũng nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt khi không cần thiết ngay cả khi người dưới 18 tuổi phạm tội bị đưa ra xét xử.
Với những đặc điểm đặc thù về tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi và chính sách hình sự của Nhà nước đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Điều luật này khẳng định rõ nguyên tắc không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Quy định này phù hợp với nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong số các biện pháp chế tài có thể được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, hình phạt tù có thời hạn là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất. Loại hình phạt này được quy định áp dụng với tính cách là lựa chọn cuối cùng của Tòa án khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội .
Khi xử phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi, Tòa án áp dụng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Nói cách khác, trong trường hợp cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì mức án tù được Tòa án áp dụng không chỉ thấp hơn so với mức án tù áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng mà còn phải là mức ngắn nhất thích hợp đối với trường hợp phạm tội đó.
Điều luật này cũng tiếp tục khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người dưới 16 tuổi phạm tội được thể hiện trong quy định không sử dụng việc kết án đối với người dưới 16 tuổi phạm tội để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338