Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống, người được hưởng di sản là người thừa kế và mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế đã được pháp luật quy định khá cụ thể, theo hai hình thức là: theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế; người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và nuôi dưỡng. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận. Tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản thừa kế sau: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Tại Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc phân chia di sản theo pháp luật. Theo đó, khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Theo quy định hân chia di sản theo pháp luật không phải theo ý chí của người để lại di sản mà theo quy định chung của pháp luật; việc hân chia di sản theo pháp luật di sản được chia cho những người thừa kế là như nhau, người thừa kế là những người thuộc các hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba, nên người thừa kế theo pháp luật chỉ có cá nhân mà không có pháp nhân như thừa kế theo di chúc. Vì thế di sản chia thừa kế theo pháp luật như sau:
Quyền của cá nhân hưởng di sản thừa kế do người chết để lại:
Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật có tính công bằng, người thừa kế cùng một hàng thừa kế thì được hưởng di sản như nhau không phân biệt tuổi tác, giới tính, quan hệ; thể hiện tại quy định ở khoản 1 Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể cá nhân đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế thì vẫn được hưởng phần di sản bằng với những người thừa kế khác; tại thời điểm di sản được chia cá nhân còn quá nhỏ không thể chiếm hữu, sử dụng di sản nhưng vẫn có quyền sở hữu di sản, lúc này cha mẹ là người đại diện cho cá nhân sẽ thực hiện chiếm hữu, sử dụng tài sản thay cho cá nhân đó, sau này khi đã có đủ năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ phải trao trả lại quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản cho họ; song cá nhân này chỉ thành người thừa kế có quyền ngang bằng với những người thừa kế khác khi họ phải được thành thai trước thời điểm người để lại di sản chết, do người để lại di sản phải biết về sự tồn tại của cá nhân đó và chắc chắn rằng họ sẽ được sinh ra trong tương lai.
Trong trường hợp trước khi cá nhân được sinh ra mà chết như chết trong bụng mẹchẳng hạn, thì phần di sản đáng lẽ họ được hưởng sẽ được chia đều cho những người thừa kế còn lại; năng lực pháp luật dân sự là khả năng của cá nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự, năng lực pháp luật dân sự có từ khi cá nhân được sinh ra, trong đó có quyền thừa kế; nên cá nhân là người thừa kế mà chết sau khi được sinh ra thì vẫn làm phát sinh quyền thừa kế của họ. Vì thế phần di sản mà cá nhân đó được hưởng thừa kế sẽ thuộc quyền sở hữu của họ và được chia thừa kế cho những người thừa kế theo pháp luật của họ sau khi họ chết đi.
Chia di sản là hiện vật:
Hiện tại pháp luật thừa kế luôn tôn trọng thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự; trong quan hệ thừa kế theo pháp luật cũng vậy, nếu di sản để lại là tiền mặt thì chia đều như bình thường, tuy nhiên nếu là hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận chọn một trong các cách sau.
(1) Nếu hiện vật có thể chia đều thì các bên thỏa thuận về việc chia hiện vật; hiện vật có thể chia là những vật, tài sản như phương tiện giao thông, nhà, đất… Những người thừa kế thỏa thuận về việc ai nắm giữ vật nào sao cho hài hòa lợi ích của các bên, song trên thực tế không phải lúc nào di sản là vật cũng có đủ để chia đều cho những người thừa kế, nên các bên có thể thỏa thuận chọn cách thứ hai.
(2) Nếu hiện vật không thể chia thì những người thừa kế thỏa thuận định giá di sản, sau đó thỏa thuận chọn một người giữ hiện vật. Người nhận di sản phải đưa tiền mặt cho những người thừa kế còn lại tương đương với phần di sản mà họ được hưởng dựa trên giá trị hiện vật.
(3) Nếu các bên không thể thỏa thuận về người nhận di sản thì di sản sẽ được bán, sau đó số tiền bán được sẽ được chia cho các bên, đây là quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế trong trường hợp họ nhận hiện vật nhưng không có đủ tiền mặt để thanh toán cho những người thừa kế còn lại.
Có thể thấy rằng hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể rõ từng trường hợp phải chia bằng giá trị, nhưng qua thực tiễn xét xử các tranh chấp về thừa kế tại Tòa án có thể thấy trường hợp chia bằng giá trị thường là những trường hợp người nhận di sản không đủ điều kiện để nhận bằng hiện vật, hay do tính chất của di sản không thể chia bằng hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế. Ví dụ như như, các địa phương có quy định về hạn mức diện tích đất tối thiểu để tách thửa, nên những quy định này có thể tác động tới việc chia quyền sử dụng đất bằng hiện vật hay bằng giá trị cho những người thừa kế.
Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338