Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Theo quy định thì quan hệ mượn tài sản được hình thành kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Sau khi các bên thỏa thuận xong nội dung cơ bản của hợp đồng nhưng chưa chuyển giao tài sản, không thể bắt buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Trong hợp đồng mượn tài sản bên cho mượn chuyển giao tài sản của mình cho bên kia sử dụng trong một thời hạn theo thỏa thuận mà không nhận được sự đền bù nào từ bên mượn tài sản.
Tại Điều 497 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của bên mượn tài sản. Theo đó, bên mượn tài sản có các quyền sau:
Thứ nhất, được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
Thứ hai, yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.
Thứ ba, không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
Sử dụng tài sản đúng công dụng của tài sản và mục đích đã thỏa thuận là quyền cơ bản của bên mượn. Thông thường công dụng tài sản phù hợp với mục đích sử dụng đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu công dụng của tài sản và mục đích của tài sản có sự khác biệt thì bên mượn tài sản phải sử dụng theo mục đích đã thỏa thuận. Việc sử dụng tài sản không đúng với công dụng của nó có thể khiến tài sản bị hư hỏng, mất giá trị, nếu bên mượn đã thỏa thuận về mục đích sử dụng trái với công dụng mà được bên cho mượn chấp thuận thì họ được phép sử dụng tài sản vào mục đích đó.
Bên mượn tài sản có nghĩa vụ phải sửa chữa các hư hỏng thông thường đối với tài sản mượn, đó là nghĩa vụ của bên mượn buộc họ phải thực hiện tốt nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản. Nên bên mượn không có quyền yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí này. Quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị của tài sản chỉ đặt ra đối với những hư hỏng lớn, cải tạo tài sản khi được bên cho mượn đồng ý, việc sửa chữa và làm tăng giá trị của tài sản trong trường hợp này do bên cho mượn chịu chi phí, việc bên mượn thực hiện sửa chữa, làm tăng giá trị tài sản chỉ phát sinh khi bên cho mượn đồng ý, theo đó, bên mượn là người thực hiện thay cho chủ sở hữu của tài sản. Có sự đồng ý của bên cho mượn thì bên mượn mới được thực hiện những công việc này, vì thế bên mượn có quyền yêu cầu bên cho mượn thanh toán cho mình khoản chi phí bỏ ra để sửa chữa, tăng giá trị tài sản. Khoản chi phí này được xác định là chi phí thực tế bên mượn đã bỏ ra nhưng phải phù hợp với mức độ sửa chữa, làm tăng giá trị tài sản.
Hao mòn tự nhiên của tài sản là phần giá trị tài sản bị giảm sút dưới tác động của quy luật tự nhiên trong quá trình sử dụng tài sản. Phần giá trị này giảm không lệ thuộc vào mức độ quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản. Tức, dù có bảo quản, giữ gìn tài sản thì phần giá trị này vẫn giảm đi theo thời gian sử dụng, ví dụ: phần hao mòn ở bánh xe khi di chuyển, màu sắc của xe phai dần theo thời gian sử dụng. Vì thế pháp luật không buộc bên mượn phải chịu trách nhiệm đối với những hao mòn này đối với tài sản mượn.
Điều 497. Quyền của bên mượn tài sản
1. Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
2. Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.
3. Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338