Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Theo quy định pháp luật hiện hiện nay thì quy định hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, thì các bên phải tuân theo hình thức đó theo khoản 1 Điều 531 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp các bên không xác lập thành hợp đồng vận chuyển. Nhằm tạo điều kiện hơn cho các bên, Khoản 2 Điều 531 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép sử dụng vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển làm bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, ví dụ: vận đơn đường biển, vận đơn hàng không, giấy gửi hàng đường sắt...
Tại Điều 537 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của bên thuê vận chuyển. Theo đó, bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.
Quyền yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời hạn đã thỏa thuận, quyền này gắn liền với quyền lợi chính của bên gửi tài sản đối với bên vận chuyển, bởi khi xác lập hợp đồng vận chuyển, địa điểm vận chuyển do bên thuê vận chuyển đề nghị phù hợp với nhu cầu của mình, sau khi tiếp nhận bên vận chuyển có thể đồng ý chuyên chở hoặc không. Nếu đồng ý chuyên chở, các bên thỏa thuận về thời hạn vận chuyển là khoảng thời gian từ khi bên thuê vận chuyển chuyển giao tài sản cho đến khi bên vận chuyển giao lại tài sản đó cho bên có quyền nhận. Bên vận chuyển cần phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phù hợp với hai tiêu chí này; quyền này của bên thuê vận chuyển tương ứng với nghĩa vụ vận chuyển tài sản đến đúng địa điểm, theo thời hạn của bên vận chuyển được quy định tại khoản 1 Điều 534 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm quyền yêu cầu chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm; quyền yêu cầu chuyên chở tài sản theo thời hạn thỏa thuận.
Quyền trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận tài sản đã thuê vận chuyển, hợp đồng vận chuyển hàng hóa thường có hai chủ thể là bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển, song cũng có thể có chủ thể thứ ba tham gia với tư cách là bên nhận tài sản. Bên nhận tài sản dù không ký kết hợp đồng nhưng có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến hợp đồng vận chuyển tài sản. Theo đó, bên thuê vận chuyển có quyền chỉ định chủ thể là người thứ ba có quyền nhận tài sản. Đây có thể xem là căn cứ để xác định bên vận chuyển có thực hiện đúng nghĩa vụ hay không. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 534 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển, người có quyền có thể là một chủ thể cụ thể, mà bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển đã thỏa thuận từ trước, bên thuê vận chuyển cung cấp cho bên vận chuyển những thông tin về người thứ ba có quyền nhận tài sản. Trong một số trường hợp, người có quyền nhận tài sản không phải một chủ thể cố định, theo đó, ai nắm giữ chứng từ vận chuyển do bên vận chuyển ký phát thì người đó được nhận tài sản.
Điều 537. Quyền của bên thuê vận chuyển
1. Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.
2. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338