Quốc tịch là yếu tố nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, là yếu tố thể hiện sự liên kết của một cá nhân với quốc gia mà cá nhân mang quốc tịch. Điều 1 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Việc xác định quốc tịch của cá nhân được thực hiện khi tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ. Các căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam, gồm:
(1) Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật Quốc tịch như:
- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
(2) Được nhập quốc tịch Việt Nam, đây là những trường hợp cá nhân không có quốc tịch Việt Nam nhưng thỏa mãn các điều kiện luật định để có thể được nhập quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch được quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
(3) Được trở lại quốc tịch Việt Nam là trường hợp áp dụng với những người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Những người này có thể được trở lại trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Xin hồi hương về Việt Nam;
- Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
- Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài (Điều 23 Luật Quốc tịch năm 2008).
Đặc biệt, điều luật này cũng nhấn mạnh, đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
(4) Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật quốc tịch, cụ thể:
- Điều 18 quy định trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam;
- Điều 35 ghi nhận về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam: Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ.
- Điều 37 quy định về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên: Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam; Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi…
(5) Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên:
Quốc tịch là yếu tố nhân thân quan trọng gắn với cuộc đời mỗi cá nhân, là điều kiện để Nhà nước đảm bảo quyền lợi hay có những chính sách ưu đãi cho công dân nước mình. Trong rất nhiều trường hợp, một quyền hay lợi ích nào đó chỉ được đặt ra đối với công dân Việt Nam (người có quốc tịch Việt Nam) mà không đặt ra với những cá nhân nước ngoài hay với người không có quốc tịch, ví dụ: Quyền bầu cử. Việc xác định quốc tịch càng có ý nghĩa to lớn khi công dân Việt Nam học tập, làm việc tại nước ngoài sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó. Hơn thế nữa, quốc tịch là căn cứ quan trọng trong việc dẫn chiếu luật áp dụng đối với những quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Pháp luật Việt Nam hướng tới mục tiêu chính là bảo hộ quyền lợi cho những cá nhân mang quốc tịch Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận quyền của những người không có quốc tịch. Đối với những người không có quốc tịch thì việc sinh sống, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo đảm về các quyền con người và quyền dân sự theo quy định của Bộ luạt Dân sự năm 2015.
Sở dĩ Điều luật này không quy định chính sách bảo hộ liên quan đến người có quốc tịch nước ngoài bởi nội dung này được quy định tại Phần thứ 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, các quy chế pháp lý liên quan đến người nước ngoài được điều chỉnh chủ yếu, trực tiếp bởi các Hiệp định tương trợ Tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và quốc gia khác.
Điều 31. Quyền đối với quốc tịch
1. Cá nhân có quyền có quốc tịch.
2. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định.
3. Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338