Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Tại Điều 507 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác. Theo đó quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác là được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác; tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác; bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra; thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.
Việc đóng góp vào tài sản chung phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Tài sản góp chung của mỗi tổ hợp tác là khác nhau, tùy vào quy mô, mục đích hợp tác, số lượng thành viên.... Đối với mỗi tổ hợp tác, tỷ lệ vốn góp của mỗi thành thành viên cũng có thể không đều nhau, có thành viên góp nhiều, có thành viên góp ít tùy vào thỏa thuận và khả năng của mỗi thành viên. Quy định này cũng xác định rõ, hình thức sở hữu của các thành viên hợp tác với tài sản chung là hình thức sở hữu chung theo phần, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với khối tài sản chung. Tức, các thành viên hợp tác có quyền và nghĩa vụ tương đương với tỷ lệ góp vốn của mình.
Thành viên hợp tác có quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác, việc hưởng hoa lợi, lợi tức là thu được từ hoạt động hợp tác phải tuân theo quy định ghi nhận trong hợp đồng hợp tác. Thông thường, hoa lợi, lợi tức được phân chia theo tỷ lệ vốn góp và công sức đóng góp của mỗi thành viên. Theo đó vốn góp và công sức đóng góp tỷ lệ thuận với hoa lợi, lợi ích được hưởng. Vốn góp càng nhiều thì hoa lợi, lợi tức được hưởng càng nhiều, công sức bỏ ra càng nhiều thì lợi nhuận được hưởng càng cao.Việc hưởng lợi nhuận có thể được chia theo hiện vật hoặc bằng tiền.
Thành viên hợp tác có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác, đây là quá trình do các thành viên tự mình thực hiện hoặc thực hiện thông qua người thứ ba. Chủ thể tham gia hợp đồng không phải chỉ hai bên mà là nhiều bên, mỗi bên đều có lợi ích liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng. Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác có thể phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các thành viên hợp tác phải trực tiếp tham gia quyết định hoặc giám sát hoạt động hợp tác. Việc giám sát thực hiện hợp đồng xảy ra khi các bên thỏa thuận giao cho một bên hoặc một chủ thể khác thực hiện hợp đồng.
Nghĩa vụ của thành viên hợp tác phải bồi thường thiệt hại cho các thành viên khác do lỗi của mình gây ra, theo quy định khi chủ thể bằng hành vi của mình gây thiệt hại cho chủ thể khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, khi thành viên hợp tác gây nên thiệt hại cho các thành viên khác bằng hành vi có lỗi của mình thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường được xác định theo thỏa thuận của các bên, dựa trên mức độ thiệt hại gây ra. Nhưng trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi thiệt hại xảy ra do hành vi có lỗi của một bên, tức nếu thiệt hại xả ra do các sự tác động của các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh… nằm ngoài ý chí của chủ thể thì sẽ không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong một giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận. Các chủ thể phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận bên cạnh quyền và nghĩa vụ pháp luật quy định. Tùy vào từng loại hình hợp tác mà quyền và nghĩa vụ không giống nhau, khi đã chấp nhận giao kết hợp đồng tức chủ thể đã chấp nhận quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong nội dung của hợp đồng, việc thực hiện theo những gì hợp đồng đã quy định là hoàn toàn phù hợp.
Điều 507. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác
1. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.
2. Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.
3. Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.
4. Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338