Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về "Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt" quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự. Tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Đồng thời, tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt. Theo đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và trường hợp phạm tội chưa đạt.
Khoản 1 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc chung cần tuân thủ khi quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Theo đó, khi quyết định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, Toà án không những phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt chung mà còn phải dựa vào quy định bổ sung cho trường hợp này. Đây là những quy định bổ sung cho căn cứ thứ nhất và thứ hai của quyết định hình phạt.
Bổ sung cho căn cứ thứ nhất (các quy định của Bộ luật Hình sự) là quy định: Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng. Như vậy, lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt (đối với loại hình phạt có các mức khác nhau) đối với chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt phải trong phạm vi quy định của điều luật về tội định phạm. Cụ thể, việc quyết định hình phạt như thế nào trong phạm vi này được quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Hình sự đối với chuẩn bị phạm tội và tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự đối với phạm tội chưa đạt.
Cũng theo khoản 1 Điều 57 Bộ luật Hình sự, việc quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt phải tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Quy định này thực chất là quy định cụ thể về căn cứ thứ hai của quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt. Bao gồm cả nội dung chung và cả nội dung bổ sung. Giữa hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và trường hợp tội phạm hoàn thành của tội phạm nhất định cũng như giữa các trường hợp chuẩn bị phạm tội, giữa các trường hợp phạm tội chưa đạt có sự khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội do có sự khác nhau về mức độ thực hiện ý định phạm tội cũng như do có sự khác nhau về các tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Do đó mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng được coi là căn cứ bổ sung bên cạnh căn cứ chung là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hóa nguyên tắc chung trong việc quyết định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội. Cụ thể, điều luật quy định đối với hành vi chuẩn bị phạm tội thì hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định cho chuẩn bị phạm tội trong các điều luật cụ thể (nếu có).
Theo đó quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ được phép trong phạm vi khung hình phạt giảm nhẹ (giảm cả mức cao nhất và mức thấp nhất) so với khung hình phạt đối với tội phạm hoàn thành được quy định riêng cho chuẩn bị phạm tội tại các điều luật được liệt kê tại Điều 14 Bộ luật Hình sự. Đây là điểm mới trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội.
Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết triệt để vấn đề phân hóa trách nhiệm hình sự của chuẩn bị phạm tội và tội phạm hoàn thành.
Khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hóa nguyên tắc chung trong việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt. Cụ thể, điều luật quy định:
- Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm;
- Nếu điều luật được áp dụng quy định là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tự mức phạt tù đó.
Như vậy, quyết định hình phạt cho phạm tội chưa đạt chỉ được phép trong khung được giới hạn trên. Điểm mới trong quy định này thể hiện ở quy định dứt khoát về việc không áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình đối với hành vi phạm tội chưa đạt mà chỉ có thể áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm nếu điều luật về tội phạm tương ứng quy định được áp dụng hình phạt cao nhất này.
Từ quy định tại khoản 3 của điều luật có thể hình thành khung hình phạt giảm nhẹ cho phạm tội chưa đạt là khung hình phạt tù với mức cao nhất là 20 năm tù nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình hoặc với mức cao nhất là ba phần tư mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là phạt tù có thời hạn.
Như vậy, khung hình phạt giảm nhẹ áp dụng cho phạm tội chưa đạt chỉ được xác định cho các tội phạm mà điều luật có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình hoặc tù có thời hạn và đó là khung hình phạt tù giảm nhẹ mà chỉ giảm ở mức cao nhất và giữ nguyên ở mức thấp nhất so với khung hình phạt tù quy định áp dụng cho tội phạm đó ở giai đoạn hoàn thành. Theo đó, điều luật cũng không xác định khung hình phạt giảm nhẹ trong trường hợp hình phạt được quy định là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn.
Quy định như vậy không tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để có thể xử lý hành vi phạm tội chưa đạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành trong mọi trường hợp trong trường hợp nghiêm trọng cũng như trong trường hợp ít nghiêm trọng. Từ những phân tích trên cho thấy, tuy có điểm mới nhưng quy định về trách nhiệm hình sự của hành vi phạm tội chưa đạt tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn chưa khắc phục được hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 trong việc tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc phân hóa triệt để trách nhiệm hình sự của hành vi phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338