Language:
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201)
26/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, xâm phạm đến lợi ích của công dân. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là người đủ từ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu lợi dụng chức vụ, quyện hạn trong quản lý công quỹ và dùng công quỹ cho vay nặng lãi mang tính chất bóc lột thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, xâm phạm đến lợi ích của công dân.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Dấu hiệu thứ nhất, mức lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy, chỉ được coi là phạm tội này khi mức lãi suất mà người phạm tội cho bên đi vay vay là 100%/năm, ngay cả khi các bên có sự thỏa thuận. 

 

Dấu hiệu thứ hai, người phạm tội đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

Như vậy, đối với tội danh này chỉ được coi là phạm tội này khi người phạm tội thực hiện đầy đủ cả hai dấu hiệu trên. Nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này.

 

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao. Đối với tội cho vay lãi nặng, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

 

Về số lượng tiền, tài sản cho vay nhiều hay ít không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản; Về đối tượng cho vay là tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá…

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu người phạm tội có hành vi trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

- Khung 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm thuộc trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên.

 

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338