Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tội cố ý truyền HIV cho người khác được hiểu là hành vi của người tuy không bị lây nhiễm HIV nhưng đã đưa HIV vào cơ thể người khác một cách cố ý. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội làm tổn hại đến sức khỏe của người khác và cũng làm ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự con người.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Mục đích nhằm truyền HIV cho người khác. Động cơ có thể trả thù cá nhân hay động cơ khác. Động cơ không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi nêu trên phải không thuộc trường hợp chính bản thân người bị nhiễm HIV và biết rõ mình bị nhiễm mà vẫn truyền HIV từ chính cơ thể mình sang người khác.
Đây là hành vi của người không bị nhiễm HIV và vì một lý do nào đó mà người này cố ý truyền HIV cho người khác dưới các hình thức khác nhau: Ví dụ: y tá cố ý dùng bơm kim tiêm đã dùng tiêm cho ngừi nhiễm HIV lại tiếp tục dùng cho người khác với mục đích để người này nhiễm HIV hoặc do thù hằn cá nhân mà một người đã cho máu có nhiễm HIV cho vào bịch máu đang truyền cho bệnh nhân nhằm để người này bị nhiễm HIV…
Tội phạm hoàn thành khi có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác, hậu quả nạn nhân có bị nhiễm HIV hay không, không là dấu hiệu bắt buộc. Nói theo cách khác, nạn nhân đã bị truyền HIV thì hành vi truyền HIV cho họ đã cấu thành tội phạm, không cần biết người nạn nhân có bị nhiễm HIV hay không. Trường hợp người nạn nhân không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội được xác định là hoàn thành về hành vi nhưng nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Do vậy, kết quả giám định pháp y để xác định bị hại có bị nhiễm HIV hay không, chỉ có ý nghĩa khi lượng hình chứ không phải là yếu tố định tội như tội lây truyền HIV cho người khác.
Hậu quả của hành vi trên là làm nhiễm HIV cho người khác, nhưng nếu người phạm tội cố ý truyền HIV cho người khác nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ vì các lý do như họ lầm tưởng vật trung gian là có HIV nhưng thực tế lại không có nhiễm HIV (chẳng hạn tưởng bịch máu có HIV và đã truyền cho người khác…) thì người có hành vi nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Trường hợp một người dùng thủ đoạn đe dọa truyền HIV cho người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản hoặc tội Cướp tài sản.
Hình phạt:
- Khung 1: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Đây được coi là mức hình phạt nghiêm khắc và là tội phạm nghiêm trọng.
- Khung 2: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Đối với người dưới 18 tuổi; Đối với từ 02 người đến 05 người; Lợi dụng nghề nghiệp; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
Trong đó trường hợp lợi dụng nghề nghiệp để truyền HIV cho người khác là tình tiết tăng nặng do người có nghề nghiệp dễ thực hiện tội phạm, mức độ gây ra cho xã hội có thể nhiều người…đồng thời cũng gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện nên cần thiết phải xữ lý nghiêm khắc. Ví dụ: y tá, bác sỹ…
- Khung 3: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với 06 người trở lên; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội này có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338