Language:
Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242)
06/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản là tội xâm phạm đến các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại có đủ điều kiện theo luật định.

Khách thể của tội phạm:

Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản là tội xâm phạm đến các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm này là các loại động vật sinh sống dưới nước như: ao, hồ, sông, suối, biển... Nếu thuỷ sản là động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại Điều 244 hoặc tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tại Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Chủ thể phạm tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Nhận thức của người phạm tội là bao gồm cả nhận thức về pháp luật, tức là biết Nhà nước cấm không được khai thác mà vẫn khai thác. Nếu vì lý do khách quan người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản mà không nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật thì không phải là cố ý phạm tội.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản bao gồm 07 hành vi được liệt kê cụ thể như sau:

(1) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

(2) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;

(3) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;

(4) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

(5) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

(6) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;

(7) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Với mỗi hành vi khách quan, nhà làm luật đã chỉ rõ hậu quả tối thiểu để người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. Hậu quả là dấu hiệu định tội bắt buộc của tội này trong trường hợp: (1) Hành vi phạm tội gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc thấp hơn; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, hoặc Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

Tuy nhiên, hậu quả sẽ không bắt buộc là dấu hiệu định tội cho tội danh này trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Cùng với việc quy định hành vi khách quan của tội phạm, nhà làm luật cũng đã quy định các dấu hiệu khách quan khác để xác định cấu thành tội phạm như: (1) Đối tượng khai thác là các loài thủy sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ; (2) Để xác định được loài thủy sản nào là quý hiếm, nơi nào là nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm, cần phải căn cứ vào quy định của Chính phủ, trước hết là danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (3) Ngoài ra, muốn xác định hành vi phạm tội còn phải căn cứ vào các quy định của các cơ quan chức năng mà trước tiên là Bộ Thủy sản về việc khai thác thủy sản, cũng như các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (4) Khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn cũng là một dấu hiệu để xác định cấu thành tội phạm.

Trường hợp hậu quả xảy ra chưa đạt mức tối thiểu nêu trên, người thực hiện hành vi khách quan tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khoản 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khoản 4 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 5: Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;

c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;

d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:

a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338