Language:
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240)
06/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xâm phạm đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người cũng như cho môi trường sinh thái. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người này vừa là chủ thể đặc biệt, vừa là chủ thể không đặc biệt.

Là chủ thể đặc biệt nếu có hành vi “cho phép đưa ra hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam…” thì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt, chấp thuận, cho phép đưa ra khỏi vùng dịch hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật nhưng những động vật, thực vật hoặc sản phẩm này bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

Không phải là chủ thể đặc biệt, nếu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều là chủ thể của tội phạm này, còn đối với người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở bất cứ khoản nào của điều luật, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 240).

Khách thể của tội phạm:

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xâm phạm đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người cũng như cho môi trường sinh thái.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Mặt khách quan của tội phạm:

Người phạm Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thể hiện ở một trong các hành vi cụ thể sau:

(1) Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Do dịch bệnh thường phát sinh từ những vùng, những khu vực nhất định nên khi phát hiện dịch bệnh, ngành y tế cùng các cơ quan liên quan phải tổ chức khoanh vùng có dịch để xử lý và hạn chế sự lây lan. Hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác (như dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh) có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người là làm cho dịch lây lan ra khỏi vùng có dịch, gây những hậu quả xấu cho môi trường và tính mạng, sức khỏe của con người trong những vùng chưa bị lây nhiễm.

(2) Cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Đây là hành vi vi phạm của người có thẩm quyền trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm về phân vùng dịch, kiểm soát dịch bệnh.

(3) Đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Hành vi này cũng làm cho dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan vào Việt Nam, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khỏe của con người.

(4) Cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Đây là hành vi vi phạm của những người có thẩm quyền trong quản lý nhập cảnh.

(5) Các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người như: cố tình không tiêm phòng vaccine phòng dịch cho nhân dân; không tổ chức kịp thời khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch để dịch bệnh có điều kiện lây lan thêm; người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác… đều có thể làm cho dịch bệnh nguy hiểm lây lan, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khỏe của con người; những hành vi này đều bị coi là hành vi phạm tội.

Đối với các hành vi phạm tội trên thì hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác được coi là “hành vi khác” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Người thực hiện những hành vi nói trên chưa làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì chưa bị coi là tội phạm nhưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định của Chính phủ.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

- Khoản 4 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338