Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách cung ứng điện do Nhà nước quy định đối với các cơ quan, tổ chức và công dân qua đó có thể gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế hay các thiệt hại khác. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về cung ứng điện quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy định về cung ứng điện là chủ thể đặc biệt, vì bên cạnh đảm bảo các yếu tố là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật thì còn phải đảm bảo các yếu tố chỉ những người có trách nhiệm liên quan đến việc cung ứng điện mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Những người có trách nhiệm cung ứng điện không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn, mà họ còn có thể là những người khác được phân công làm nhiệm vụ cung ứng điện, đối với người khác cũng có thể là chủ thể nhưng họ chỉ là đồng phạm trong vụ án có đồng phạm.
Trường hợp hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện chưa gây hậu quả về tài sản, tính mạng, sức khỏe thì người phạm tội phải là những người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án vì tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới chịu trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách cung ứng điện do Nhà nước quy định đối với các cơ quan, tổ chức và công dân qua đó có thể gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế hay các thiệt hại khác.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của Nhà nước về cung ứng điện gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Mặt khách quan của tội phạm:
Người phạm tội này là người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện để thực hiện một trong các hành vi sau: Cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định, từ chối cung cấp điện không có căn cứ, trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
Cắt điện không có căn cứ là hành vi cắt điện một cách tùy tiện, không đưa ra lý do hoặc cắt điện không có lý do chính đáng.
Cắt điện không thông báo theo quy định là hành vi cắt điện không thực hiện đúng quy định của ngành điện lực là phải thông báo trước cho người sử dụng điện trong một thời gian nhất định, thể hiện ở việc chưa có thông báo hoặc không thông báo mà vẫn cắt điện, theo quy định việc thông báo cắt điện phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo đến tận người sử dụng điện.
Từ chối cung cấp điện không có căn cứ là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện đã không cung cấp điện cho người sử dựng khi họ có yêu cầu và có đủ điều kiện, làm đầy đủ các thủ tục cần thiếttheo quy định của ngành điện lực để được cấp điện. Việc từ chối này không có lý do chính đáng hoặc lý do mà bên cung cấp đưa ra để từ chối việc cung cấp điện là không có căn cứ.
Trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng là hành vi của người có trách nhiệm trong việc xử lý sửa chữa sự cố điện khi đã nhận được thông báo và đã có yêu cầu khắc phục sự cố điện, có điều kiện để khắc phục sự cố nhưng không xử lý sự cố mà trì hoãn gây khó khăn cho người sử dụng điện mà không có lý do chính đáng. Các sự cố điện có thể như đổ cột điện dẫ đến đứt dây, cháy, nổ trạm biến thế, chập cháy đường dây dẫn điện, dây cao thế… Việc trì hoãn được hiểu là dây dưa, kéo dài thời gian tiến hành khắc phục sự cố.
Việc vi phạm các quy định về cung ứng điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như họat động chung của toàn xã hội.
Hậu quả của tội phạm bao gồm các hậu quả thiệt hại về tài sản và hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe:
- Gây thiệt hại về tài sản như gây hư hỏng thiết bị, sản phẩm, vật tư của cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… Hành vi này phải gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên.
- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe: Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe từ 31% trở lên hoặc gây hậu quả chết người.
Dấu hiệu khác, đối với tội vi phạm các quy định về cung ứng điện còn có các quy định các dấu hiệu khách quan khác: các quy định của Nhà nước về cung ứng điện như các quy định về cắt điện, về cung cấp điện, về xử lý sự cố khi mất điện…
Hình phạt:
- Khung 1: Người phạm tội bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 02 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 199. Tội vi phạm quy định về cung ứng điện
1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338