Language:
Tội Xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 160)
23/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện các quyền này. Tội phạm này xâm phạm quyền về bầu cử, ứng cử vào Quốc Hội, Hội đồng Nhân dân các cấp hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân quy định tại Điều 160 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân như: Ứng cử, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoặc đại biểu Quốc hội.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích là nhằm cản trở người khác thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Có hành vi lừa gạt, được thể hiện qua việc dùng thủ đoạn gian dối làm cho người khác hiểu lầm, hiểu sai sự thật về điều kiện ứng cử, bầu cử hoặc hiểu không đúng về ứng cử viên…

 

Có hành vi mua chuộc, được thể hiện qua hành vi dùng tiền, lợi ích vật chất, hoặc các lợi ích khác để người khác không đi bầu cử hoặc không ứng cử (rút khỏi danh sách ứng cử).

 

Có hành vi cưỡng ép, được thể hiện qua việc dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần người khác để họ không thực hiện quyền bầu cử, ứng cử hoặc phải thực hiện quyền bầu cử, ứng cử trái với ý muốn của họ.

 

Có hành vi dùng thủ đoạn khác nhằm cản trở ngưòi khác thực hiện quyền bầu cử, ứng cử, được hiểu là ngoài các hành vi nêu trên thì bất kỳ hành vi nào khác với bất kỳ thủ đoạn nào làm cho người khác chực hiện quyền bầu củ, ứng cử.

 

Chỉ cần người phạm tội đã thực hiện hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, hoặc thủ đoạn khác để nhằm ngưòi khác hiểu sai, hiểu không đúng, không đi bầu, không ứng cử, rút khỏi danh sách ứng cử, bị cản trở quyền bầu cử của họ là tội phạm đã hoàn thành. Việc công dân có bị tác động theo mục đích của người phạm tội hay không chỉ có ý nghĩa trong việc đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi trong khi lượng hình.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, nếu có hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

 

- Khung 2: Hình phạt tù từ 01 năm đến 02 năm nếu phạm tội với các tình tiết như: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

 

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338