Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Cấm huy động vốn" đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 81 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quy định pháp luật, huy động vốn là hành vi thường thấy đối với pháp nhân thương mại bởi việc sản xuất, làm ăn, buôn bán cần có một số vốn nhất định. Việc huy động vốn thường để cho pháp nhân thương mại có thể mở rộng quy mô hoạt động hoặc đơn giản là để nghiên cứu sản xuất một mặt hàng, một dịch vụ nào đó.
Cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Sở dĩ quy định như vậy vì nếu không được huy động vốn, pháp nhân thương mại không đủ khả năng tài chính để chi trả cho hành vi phạm tội. Ví dụ pháp nhân thương mại phạm tội theo Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), nếu không có vốn, pháp nhân không có đủ khả năng tài chính để mua nguyên vật liệu sản xuất thuốc giả hoặc cũng không đủ khả năng tài chính để mua thêm thuốc giả về bán.
Điều luật quy định hình phạt cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đó là hình phạt buộc pháp nhân thương mại không được huy động vốn bằng các hình thức khác nhau.
Khoản 1 Điều 81 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định điều kiện cho phép áp dụng hình phạt này. Theo đó, hình phạt này được áp dụng cho pháp nhân thương mại bị kết án khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại huy động vốn thì có nguy cơ tội phạm tiếp tục xảy ra. Vốn là điều kiện cần thiết cho việc duy trì cũng như mở rộng kinh doanh. Do vậy, việc cấm huy động vốn có thể hạn chế hoạt động kinh doanh mà trong đó có nguy cơ tội phạm tiếp tục phát sinh.
Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hóa các hình thức huy động vốn có thể bị cấm. Đó là vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; phát hành, chào bán chứng khoán; Huy động vốn khách hàng; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; hình thành quỹ tín thác bất động sản. Đây là các hình thức khác nhau giúp pháp nhân thương mại tăng nguồn vốn của mình.
Khoản 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định quyền quyết định của Tòa án về phạm vi các hình thức huy động vốn bị cấm. Theo đó, Tòa án có thể cấm một hoặc một số hình thức huy động vốn.
Khoản 4 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Điều 81. Cấm huy động vốn
1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
a) Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư;
b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
c) Cấm huy động vốn khách hàng;
d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
3. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338