Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về "Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại" quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định các điều kiện để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được thực hiện bởi cá nhân cũng như mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và trách nhiệm hình sự của cá nhân đã thực hiện tội phạm.
Chủ thể của trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 là pháp nhân thương mại. Trong đó, pháp nhân thương mại được hiểu là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. … bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự. Để xác định một tổ chức có phải là pháp nhân hay không cần kiểm tra các điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự. Đó là: Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự cũng như luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, phạm vi các tổ chức có thể là chủ thể của trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 là tương đối hẹp so với quy định của nhiều nước khác. Về nguyên tắc, trách nhiệm hình sự có thể được đặt ra cho tất cả các pháp nhân (trừ Nhà nước) và cho cả các tổ chức không phải là pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 giới hạn chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ trong phạm vi một loại pháp nhân là pháp nhân thương mại.
Khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định 4 điều kiện cần thỏa mãn để có thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân thực hiện. Trong 4 điều kiện được điều luật quy định có 1 điều kiện là điều kiện chung cho cả pháp nhân và cá nhân. Đó là điều kiện về thời hiệu.
Điều kiện còn lại là những điều kiện phản ánh quan hệ đặc biệt giữa pháp nhân thương mại với tội phạm đã được thực hiện và với người đã thực hiện tội phạm đó. Chính vì có quan hệ đặc biệt đó mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân đã thực hiện.
Về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại:
Điều kiện này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa người thực hiện tội phạm và pháp nhân thương mại và mối quan hệ đặc biệt này là một trong những cơ sở để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người đó đã thực hiện. Không phải thành viên nào của pháp nhân thương mại cũng có thể nhân danh pháp nhân thương mại mà chỉ những người đại diện của pháp nhân thương mại mới là chủ thể có quyền nhân danh pháp nhân thương mại.
Những người này có thể là người đứng đầu pháp nhân thương mại, đại diện cho pháp nhân thương mại theo pháp luật hoặc là người được người đứng đầu trực tiếp ủy quyền. Chỉ những người này mới có thể thực hiện hành vi nhất định trên danh nghĩa của pháp nhân thương mại. “Để đảm bảo tính nhân danh” đòi hỏi người thực hiện tội phạm phải là người lãnh đạo hoặc thuộc cơ quan lãnh đạo của tổ chức, có quyền quyết định hoạt động của tổ chức. Họ có thể trực tiếp thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện. Hành vi tự ý của các thành viên bình thường của tổ chức không thể là hành vi nhân danh tổ chức.”
Về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại:
Điều kiện này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa tội phạm được thực hiện và pháp nhân thương mại và mối quan hệ đặc biệt này là một trong những cơ sở để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được thực hiện đó. Không phải tất cả các hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại đòi hỏi hành vi phạm tội đó là có lợi hoặc nhằm có lợi cho pháp nhân thương mại.
Qua đó, tổ chức (pháp nhân thương mại) có thể nhận (hoặc giữ lại) được lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần hoặc lợi thế nhất định.” Như vậy, đối với hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của cá nhân hoặc nhóm cá nhân thuộc pháp nhân thương mại, pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự dù hành vi phạm tội đó được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.
Về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại:
Điều kiện này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa pháp nhân thương mại với hành vi phạm tội đã thực hiện cũng như với người thực hiện hành vi phạm tội đó. Điều kiện này xác định, người phạm tội không phải tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà việc thực hiện này có quan hệ với pháp nhân thương mại. Quan hệ này được thể hiện: Hành vi phạm tội được thực hiện là theo sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân thương mại; hoặc hành vi phạm tội được thực hiện với sự chấp thuận của pháp nhân thương mại.
Trong hai quan hệ này, quan hệ thứ nhất thể hiện sự chủ động của pháp nhân thương mại đối với hành vi phạm tội còn quan hệ thứ hai thể hiện sự chủ động thuộc về người phạm tội. Tuy nhiên, cả hai trường hợp cùng thể hiện tội phạm đã thực hiện đều có sự chi phối của pháp nhân thương mại.
Khi hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện thỏa mãn 3 điều kiện đã được xác định tại điều luật thì có cơ sở để khẳng định hành vi đó cũng là hành vi của pháp nhân thương mại và do vậy có thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 3 điều kiện để có thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội mà không phải về tất cả các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Phạm vi các tội mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338