Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Giảm mức hình phạt đã tuyên" tại Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khoản 1 của Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng các hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù hoặc phạt tiền với mức giảm nhiều hơn và điều kiện xét giảm ít chặt chẽ hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù để được xem xét giảm cần đáp ứng hai điều kiện bắt buộc là có tiến bộ và đã chấp nhận được một phần tư thời hạn hình phạt được Tòa án tuyên. Điều kiện thứ nhất (có nhiều tiến bộ) được thể hiện qua mức độ chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của trại giam (đối với người bị phạt tù), nội quy tại nơi học tập, lao động, sinh sống (đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ), tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của người khác người bị kết án. Mức giảm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ không được quy định cụ thể mà do Tòa án quyết định tùy thuộc vào trường hợp cụ thể. Đối với hình phạt tù, mỗi lần Tòa án có thể giảm mức hình phạt đến 04 năm nhưng phải đảm bảo tổng thời gian người bị kết án chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên. Quy định này vừa tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án giảm mức hình phạt tù khá nhiều cho người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng cũng tránh tình trạng áp dụng thái quá dẫn đến thời gian chấp hành án của người dưới 18 tuổi không đảm bảo tính răn đe, giáo dục cần thiết.
Khoản 2 của Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp đặc biệt là họ lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là trường hợp bị kết án lập công trong cuộc sống, học tập, lao động như cứu người bị nạn, bảo vệ tài sản, bắt giữ tội phạm… hoặc mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị như suy thận độ 4, ung thư… Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì đã lập công là trường hợp lập công lớn, hoặc người bị kết án có thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận. Văn bản này cũng hướng dẫn việc xác định một người bị mắc bệnh hiểm nghèo để được áp dụng quy định này phải theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Đối với trường hợp này, người bị kết án được xét giảm ngay mà không cần điều kiện về thời gian họ đã chấp hành được hình phạt hay có nhiều tiến bộ như trường hợp quy định tại khoản 1 và thậm chí Tòa án có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với người đó.
Khoản 1 của Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định giảm việc chấp hành hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn. Đây là trường hợp: nguyên nhân dẫn đến việc người bị phạt tiền lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài là nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi của người đó. Điều kiện lập công lớn có thể là việc người bị kết án làm được việc có giá trị lớn đối với xã hội. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì đã lập công lớn là trường hợp người bị kết án có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sang chế hoặc sang kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trong các trường hợp này, Điều luật không đặt ra điều kiện về số tiền phạt mà người đó đã nộp được. Mặt khác, liên quan đến mức hình phạt được giảm, Điều luật quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm mức tiền phạt mà người đó phải chấp hành (không giới hạn mức giảm) và thậm chí có thể miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại
Điều 105. Giảm mức hình phạt đã tuyên
1. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
3. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338