Language:
Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ (Điều 296)
10/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Theo quy định pháp luật, nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc… Tài sản bảo đảm phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, được phép giao dịch và không có tranh chấp, tài sản bảo đảm cũng có thể là quyền sử dụng đất. Tài sản bảo đảm cũng có thể là tài sản thuộc quyền sở hữu của người thứ ba hoặc quyền sử dụng đất của người thứ ba nếu bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người thứ ba có thoả thuận.

Tại Điều 296 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Thứ hai, trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

Thứ ba, trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác; Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Tài sản đảm bảo có thể có giá trị lớn hơn rất nhiều nghĩa vụ được bảo đảm, do đó, các bên có thể sử dụng tài sản đó để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ cùng một lúc. Tuy nhiên, để vừa tại điều kiện cho bên mang nghĩa vụ, vừa bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền, thì điều kiện áp dụng đối với tài sản đảm bảo là phải có giá trị lớn hơn tổng các nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về việc tổng giá trị nghĩa vụ vượt quá giá trị tài sản đảm bảo thì pháp luật vẫn tôn trọng và cho phép. Khi đó, phần giá trị vượt quá sẽ coi như không có bảo đảm, vì vậy bên nhận bảo đảm phải chịu rủi ro về phần nghĩa vụ vượt quá đó. Quy định này cong tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc đưa tài sản vào lưu thông, làm tăng hiệu quả kinh tế và khai thác tối đa lợi ích cũng như khả năng sinh lời của tài sản.

Việc sử dụng một tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ không cần phải có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm, tuy nhiên bên có nghĩa vụ vẫn phải thông báo cho bên nhận bảo đảm biết. Vì tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ có liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, rủi ro cũng cao hơn với bên nhận bảo đảm, đồng thời tránh tranh chấp khi xử lý tài sản bảo đảm, nên mỗi lần bảo đảm đều phải được lập thành văn bản. Mặc dù pháp luật không quy định, nhưng để hạn chế rủi ro cho mình, bên nhận bảo đảm sau phải xem xét khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, và giá trị tài sản bảo đảm. Giá trị tài sản bảo đảm cần xem xét bao gồm cả giá trị hiện tại và khả năng thay đổi giá trị trong tương lai.

Bên nhận bảo đảm phải xem xét giá trị của tài sản đảm bảo có vượt quá tổng giá trị nghĩa vụ hay không, vì bên có nghĩa vụ vì lợi ích của mình mà có thể khai gian giá trị của tài sản. Và trong tương lai, khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính, tài sản đó có bị sụt giảm giá trị hay không, bởi, nếu trong tương lai tài sản bị xử lý do bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ chính, thì phải đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm sau khi giảm sút vẫn đủ để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ. Sở dĩ, pháp luật bắt buộc bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ vì, thông tin này quyết định trực tiếp đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên nhận bảo đảm, bên nhận bảo đảm sau luôn phải chịu nhiều rủi ro hơn. Bởi, thông thường bên nhận bảo đảm trước có quyền được ưu tiên thanh toán cao hơn khi xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, tại Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp, cầm cố sẽ bị hạn chế nếu trước đó có người thứ ba đã xác lập quyền ưu tiên đối với chính tài sản đó, hoặc người có quyền cầm giữ tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong quan hệ bảo đảm nhiều nghĩa vụ cùng lúc, trong trường hợp xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn, nhưng vẫn được xem là đến hạn và tất cả các bên nhận xử lý tài sản đều được tham gia xử lý tài sản. Nếu các bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác, thì bên nhận đảm bảo đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản (thông thường là bên mà bên có nghĩa vụ có nghĩa vụ chính đến hạn đầu tiên). Bởi vì, việc xử lý tài sản khi đến hạn của một nghĩa vụ sẽ làm ảnh hưởng đến những nghĩa vụ còn lại. Pháp luật quy định như vậy là để bảo vệ quyền, lợi ích của những bên nhận bảo đảm cùng một tài sản.

Tuy nhiên, pháp luật vẫn tạo điều kiện để các bên tiếp tục quan hệ dân sự, nếu bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm nghĩa vụ chưa đến hạn. Có nghĩa là, khi một nghĩa vụ đến hạn thông thường các nghĩa vụ còn lại dù chưa đến hạn cũng bị xem là đến hạn để xử lý tài sản, nhưng nếu bên bảo đảm có tài sản khác dùng để bảo đảm cho các nghĩa vụ còn lại đó thì vẫn được tiếp tục quan hệ. Quy định này chỉ cho phép các bên có thể tiếp tục quan hệ nghĩa vụ khi có tài sản đảm bảo khác thay thế, nhằm tạo điều kiện cho giao dịch của các bên mà vẫn đảm bảo an toàn cho các bên nhận bảo đảm còn lại. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).

Điều 296. Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ

1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

3. Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338