Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Quản chế" tại Điều 43 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với một số tội phạm nhất định. Hình phạt này được các chuyên gia pháp lý đánh giá cao hiệu quả giáo dục, cải tạo người phạm tội sau khi chấp hành hình phạt tù về hòa nhập vào cộng đồng, tạo nhiều cơ hội rèn luyện giảm thiểu khả năng tái phạm.
Đối tượng áp dụng hình phạt quản chế:
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, hình phạt quản chế còn có thể được áp dụng đối với một số người phạm tội sau: Tội giết người quy định tại Điều 123; Tội mua bán người tại Điều 150; Tội mua bán người dưới 16 tuổi tại Điều 151; Tội cướp tài sản tại Điều 168; Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản tại Điều 169; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 255; Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy tại Điều 282; Tội khủng bố tại Điều 299; Tội tài trợ khủng bố tại Điều 300; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia tại Điều 303; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự tại Điều 304; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ tại Điều 305; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ tại Điều 306; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân tại Điều 309; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc tại Điều 311; Tội chứa mại dâm tại Điều 327 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thời hạn quản chế:
Tương tự như một số hình phạt khác, quản chế cũng được áp dụng trong thời hạn nhất định. Thời hạn quản chế được quy định tại điều 43 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, áp dụng kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Thời gian áp dụng hình phạt quản chế cụ thể do Thẩm phán quyết định căn cứ trên mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Hạn chế về quyền của người chấp hành án phạt quản chế:
Trong thời gian quản chế, người bị kết án được đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền công dân. Tuy nhiên, các quyền này không được thực hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhằm giáo dục, cải tạo và không tái phạm.
Các hạn chế về quyền và nghĩa vụ của người bị kết án trong thời gian quản chế như sau:
- Người kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú;
- Bị tước một số quyền công dân theo quy định tại điều 44, BLHS 2015, bao gồm: Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
- Bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế:
Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế trên cở sở các quy định của Bộ luật Hình sự.
- Người chấp hành án có quyền sau: Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế; Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra; Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế; Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại.
- Nghĩa vụ của người chấp hành án: Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế; Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế; Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng; Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội; Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, Điều 43 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định quản chế là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người bị phạt tù và phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự như quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Điều 43. Quản chế
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338