Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định
Tại Điều 261 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của người hưởng dụng. Theo đó, quyền của người hưởng dụng có thể: (1) Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng; (2) Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của Bộ luật Dân sự, trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí; (3) Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.
Theo quy định trên thì người hưởng dụng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời hạn quyền này có hiệu lực. Trong trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng. Quyền này phát sinh từ thời điểm có hiệu lực của quyền hưởng dụng. Như vậy, người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi tự nhiên trong khoảng thời gian có quyền hưởng dụng. Sau thời gian này, hoa lợi thuộc về chủ sở hữu bị giảm quyền. Người hưởng dụng có quyền hưởng hoa lợi tích lũy trong thời gian tồn tại quyền hưởng dụng. Người hưởng dụng có quyền thụ hưởng dịch chuyển quyền thuộc vật gắn với tài sản mà mình có quyền hưởng dụng. Quyền này cho phép người hưởng dụng có thể thụ hưởng quyền hưởng dụng của mình một cách đầy đủ.
Xuất phát từ bản chất vật quyền của quyền hưởng dụng, là sự phân tách một phần nội dung của quyên sở hữu đối với tài sản, đó là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức (quyền hưởng các lợi ích vật chất, kinh tế từ tài sản), chủ thể quyền hưởng dụng có toàn quyền được thực hiện các hoạt động này đối với tài sản. Thêm vào đó, vì đây là quyền của chính họ, được pháp luật ghi nhận và bảo hộ (không thuộc trường hợp theo sự cho phép của chủ sở hữu trong các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng) nên người hưởng dụng được quyền cho thuê quyền hưởng dụng, được quyền cho người khác thực hiện việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
Việc thực hiện quyền hưởng dụng phải đảm bảo khai thác phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản, giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình. Nghĩa vụ này của người hưởng dụng để đảm bảo tài sản sau thời gian hưởng dụng không bị giảm sút nghiêm trọng về giá tộ, chất lượng. Từ đó, quyền của chủ sở hữu tài sản cũng được đảm bảo.
Nhằm đảm bảo chất lượng của tài sản, người hưởng dụng cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kì. Đối với việc sửa chữa tài sản để bảo đảm tài sản không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản thuộc nghĩa vụ của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trường hợp chủ sở hữu không thực hiện nghĩa vụ này, người hưởng dụng có thể thực hiện thay và sau đó yêu cầu chủ sở hữu hoàn trả chi phí mà người hưởng dụng đã thanh toán để thực hiện nghĩa vụ. Khi hết thời hạn hưởng dụng, chủ thể có quyền hưởng dụng có nghĩa vụ hoàn ttả tài sản cho chủ sở hữu. Trường hợp quyền hưởng dụng đã hết thời hạn nhưng chưa đến kì thu hoa lợi, lợi tức thì đến kì hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.
Điều 261. Quyền của người hưởng dụng
1. Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.
2. Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của Bộ luật này; trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.
3. Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338