Tại Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của người quản lý di sản. Theo đó, người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật Dân sự có quyền: Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế; được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế; được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật Dân sự có quyền: Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế; được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế; được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý. Cụ thể:
Quyền của người quản lý di sản trong trường hợp là người được người đã chết hoặc những người thùa kế chỉ định và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
- Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế, người thứ ba có thể là người đang chiếm giữ, dử dụng tài sản của người đã chết thông qua thỏa thuận khi người đó còn sống hoặc là người mà người đã chết có nghĩa vụ trả nợ… Người quản lý di sản thực chất là đại diện cho người đại diện cho những người thùa kế trong việc bảo quản, thu hồi, thực hiện nghĩa vụ liên quan đến người thứ ba.
- Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế, trên thực tế khi thực hiện quản lý di sản, người có quyền phải bỏ công sức, thời gian để thực hiện công việc của mình nhằm phục vụ lợi ích cho chủ thể khác, vì vậy họ có quyền được hưởng thù lao phù hợp với công sức đã bỏ ra.
- Được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Việc bảo quản di sản đôi khi phải bỏ ra các chi phí phát sinh, từ thời điểm mở thừa kế đến khi tài sản được chia là một khoảng thời gian nhất định, vì vậy trong quãng thời gian này cần thiết phải áp dụng các biện pháp bảo quản tài sản hợp lý, đây là quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người quản lý di sản trong trường hợp phải bỏ ra chi phí bảo quản tài sản.
Quyền của người quản lý di sản trong trường hợp là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản:
Theo quy định thì người quản lý di sản là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản là người được được người để lại di sản chuyển giao các quyền chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản trước khi chết; người quản lý trong trường hợp này phát sinh quyền, nghĩa vụ với di sản từ trước khi người để lại di sản chết, đó là quyền khác đối với tài sản. Ngoài việc được hưởng các quyền lợi như: được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế; được thanh toán chi phí bảo quản di sản; thì người quản lý di sản còn có quyền tiếp tục sử dụng quản lý, sử dụng, chiếm hữu tài sản như thỏa thuận ban đầu với người để lại di sản.
Về nguyên tắc của quan hệ pháp luật về quyền khác đối với tai sản thì trong thời hạn mà các bên đã thỏa thuận chuyển giao quyền đối với tài sản, người có quyền khác đối với tài sản vẫn có quyền với tài sản đó khi tài sản đó được chuyển giao quyền sở hữu cho người khác, song nếu đã hết thời hạn theo hợp đồng chuyển giao thì người quản lý tài sản trong trường hợp này có thể thỏa thuận với người thừa kế về việc tiếp tục sử dụng tài sản. Vì người quản lý di sản trong trường hợp này không phải phát sinh từ ý muốn quản lý tài sản của người đã chết, quyền của họ phát sinh đối với tài sản dựa theo hợp đồng chuyển giao quyền đối khác với tài sản từ trước, nên có thể hiểu họ chính là bên thứ ba liên quan đến di sản thừa kế, nên người quản lý trong trường hợp này không có quyền đại diện cho người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản.
Như vậy, quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự đã bảo đảm quyền và lợi ích cơ bản của người quản lý di sản trong việc thanh toán chi phí bảo quản di sản; từ thời điểm mở thừa kế, cho đến khi di sản thừa kế được chia cho những người thừa kế có quyền hưởng hoặc theo di chúc hoặc theo pháp luật là một khoảng thòi gian nhất định. Vì vậy, việc quản lý di sản thừa kế chưa chia là cần thiết, tránh mất mát, hao hụt, hư hỏng; nhằm bảo quản di sản thừa kế chưa chia, người quản lý di sản có thể tìm những giải pháp tốt nhất để bảo quản di sản như mua sắm vật liệu che mưa, che nắng, bảo quản tránh hư hỏng, hao hụt, tiêu huỷ theo thời gian trong môi trường cụ thể hoặc phải thuê kho, thuê mặt bằng để tập kết và bảo quản di sản là những động sản, xây dựng hàng rào để bảo quản nhà cửa, bảo vệ vật nuôi, bảo quản cây trồng và những tài sản thuộc di sản thừa kế... Vì vậy, pháp luật quy định người quản lý di sản được hoàn trả chi phí hợp lí để bảo quản di sản theo quy định tại khoản 3 Điều 618 Bộ luật Dân sự là hoàn toàn phù hợp.
Điều 618. Quyền của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338