Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội phạm này trực tiếp xâm phạm kỷ luật trong chiến đấu và kỷ luật chiến trường, xâm phạm sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu quy định tại Điều 401 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm. Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội phạm này trực tiếp xâm phạm kỷ luật trong chiến đấu và kỷ luật chiến trường, xâm phạm sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Như vậy khách thể của tội này là kỷ luật trong chiến đấu và kỷ luật chiến trường; sức mạnh chiến đấu của Quân đội thậm chí là an nguy của đất nước.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội thường là do hèn nhát, tham sống sợ chết, cầu an...và mục đích không phải nhằm chống chính quyền nhân dân.
Mặt khách quan của tội phạm:
Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và cũng là quyền cao quý của quân nhân. Trong chiến đấu mỗi quân nhân phải sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi được giao. Bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu, dù chỉ là trong thời gian ngắn cũng có thể gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng cho đơn vị và Quân đội. Đây là một trong những tội nghiêm trọng nhất trong các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Hành vi thuộc mặt khách quan của Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu thể hiện ở hành vi tự ý bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ chiến đấu.
Bỏ vị trí chiến đấu là hành vi tự rời bỏ vị trí chiến đấu đã được phân công mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền. Cũng coi là bỏ vị trí chiến đấu trường hợp quân nhân không có mặt ở vị trí chiến đấu đã được phân công mà không có lý do. Vị trí chiến đấu là vị trí mà quân nhân được phân công đảm nhận trong chiến đấu, bao gồm: vị trí địa lý (như: khu vực lãnh thổ, không phận, hải phận) hoặc vị trí trong kíp chiến đấu bằng các khí tài, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Không làm nhiệm vụ trong chiến đấu là trường hợp quân nhân đang làm nhiệm vụ chiến đấu, tuy vẫn có mặt ở vị trí chiến đấu và có đủ điều kiện, nhưng không thực hiện nhiệm vụ theo chức trách hoặc nhiệm vụ chiến đấu được phân công. Hành vi không làm nhiệm vụ trong chiến đấu được thực hiện dưới dạng không hành động: không thực hiện những công việc mà theo chức trách họ phải thực hiện trong chiến đấu, như: không nổ súng, không nối đường dây liên lạc.... Nhiệm vụ ở đây phải là nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu (thông tin, cứu thương, tiếp tế hậu cần...).
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội rời khỏi vị trí chiến đấu, không có mặt tại vị trí chiến đấu đã được phân công hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không cần phải có hậu quả xảy ra.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 2. Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Khoản 3. Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 401. Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu
1. Người nào tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật công tác quân sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338