Language:
Tội cản trở giao thông đường sắt (Điều 268)
30/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Hành vi phạm tội này xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường sắt, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cản trở giao thông đường sắt quy định tại Điều 268 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội cản trở giao thông đường sắt không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Khách thể của tội phạm:

Hành vi phạm tội này xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường sắt, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi cản trở giao thông đường sắt đều không mong muốn gây ra hậu quả thiệt hại mà tin hậu qảu đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi gây cản trở cho hoạt động giao thông đường sắt, làm cho giao thông đường sắt diễn ra không được dễ dàng, bình thường. Người phạm tội này, có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

- Đặt chướng ngại vật trên đường sắt;

- Làm xê dịch ray, tà vẹt;

- Khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt;

- Làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt;

- Để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định  hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;

- Đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy lên đường sắt;

- Lấn chiếm phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

- Hành vi khác gây cản trở giao thông đường sắt.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên; Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên mà còn vi phạm.

Trường hợp, phạm tội lần đầu hoặc hậu quả của tội phạm chưa nghiêm trọng theo quy định tại Điều 268 Bộ luật Hình sự, người phạm tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 4: Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Điều 268. Tội cản trở giao thông đường sắt

1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt; mở đường ngang, xây cống hoặc công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt; phá hoại phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Giao thông đường sắt Đường sắt Tội cản trở giao thông đường sắt Phương tiện giao thông đường sắt Điều 268 Bộ luật hình sự năm 2015 Đặt chướng ngại vật trên đường sắt Làm xê dịch ray tà vẹt Khoan đào xẻ trái phép nền đường sắt Mở đường ngang xây cống trái phép qua đường sắt Lm hỏng tín hiệu biển hiệu Để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định Để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển Đưa trái phép phương tiện không được phép chạy trên đường sắt Phá hoại phương tiện giao thông đường sắt Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt Dịch vụ luật sư luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Tìm luật sư giỏi luật sư giỏi Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư đất đai Luật sư thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp luật sư lao động Văn phòng luật sư uy tín NCLAW 0983951338 0936683699