Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý. Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội mong muốn đưa được chất ma tuý vào cơ thể người khác với nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì vụ lợi.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
Dùng vũ lực, hành vi dùng vũ lực trong tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy cũng tương tự với hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi dùng vũ lực là nhằm cưỡng ép người khác sử dụng ma túy trái ý muốn của họ. Hành vi này, thông thường dưới dạng hành động như: Vật lộn, giữ chân tay, bịt mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói v.v... Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện được việc ép họ sử dụng trái phép chất ma túy.
Đe doạ dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe dọa sợ hãi như: doạ giết, dọa đánh, dọa bắn... làm cho người bị hại sợ hãi phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của mình. Người phạm tội có thể đe dọa dùng vũ lực trực tiếp với nạn nhân như dọa giết nạn nhân,... nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực với người thân thích, người mà nạn nhân quan tâm như đe dọa sẽ giết con gái của nạn nhân nếu nạn nhân không sử dụng trái phép chất ma túy,...
Tất cả những hành vi trên đều phải "trái ý muốn của người bị hại". Trái với ý muốn của nạn nhân là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi cưỡng ép nạn nhân sử dụng chất ma túy của người phạm tội. Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại thì người có hành vi cưỡng ép nạn nhân sử dụng chất ma túy mới bị coi là phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Hậu quả của hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
- Khoản 4: Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
- Khoản 5 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338