Language:
Tội cướp biển (Điều 302)
02/08/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Khách thể của Tội cướp biển xâm phạm trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội cướp biển quy định tại Điều 302 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội cướp biển là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội cướp biển phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định lần đầu tiên về tội danh cướp biển. Quy định này vừa đáp ứng nhu cầu phòng, chống tội phạm trên thực tế vừa thực hiện tinh thần tuân thủ các điều ước quốc tế về tội phạm trên biển mà Việt Nam kí kết.

Việt Nam là một trong những nước tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 vào ngày 10/12/1982 và là quốc gia thành viên thứ 63 của Công ước khi được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 23/6/1994. Vào năm 2004, các quốc gia Châu Á trong đó cớ các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đã xây dựng Hiệp định ReCAAP – Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở Châu Á. Hiệp định ReCAAP vẫn giữ nguyên định nghĩa về cướp biển theo nội dung Công ước Luật Biển năm 1982, đồng thời bổ sung thêm quy định về cướp có vũ trang các tàu thuyền do Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO) xây dựng và đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hợp quốc chấp nhận. Nước ta cũng là quốc gia thành viên của ReCAAP từ ngày 04/9/2006.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp bởi hành vi tấn công phải luôn nằm trong chủ đích và toan tính rất kỹ của những người thực hiện hành vi. Người phạm tội nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả và mong muốn thực hiên hành vi.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm gồm 03 hành vi:

(1) Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Đây là hành vi dùng vũ lực nhằm khống chế, hoạt động bình thường và hợp pháp của các phương tiện hàng hải, hàng không trên vùng biển không thuộc quyền tài phán và chủ quyền của bất cứ quốc gia ven biển nào.

(2) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 302. Đây là hành vi sử dụng vũ lực tấn công hoặc bắt giữ nhằm vào con người trên phương tiện hàng hải, hàng không xảy ra tại vùng biển cả hoặc vùng không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. Khác với quy định về hành vi đầu tiên tác động vào hoạt động bình thường và hợp pháp của các phương tiện di chuyển, hành vi thứ hai tác động đến đối tượng là con người.

(3) Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 302. Hành vi này tác động đến đối tượng là tài sản. Hành vi cướp phá có thể được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng thủ đoạn khác chiếm đoạt tài sản cũng như có các hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản trên các phương tiện bay, phương tiện hàng hải.

Địa điểm phạm tội là căn cứ bắt buộc để cấu thành tội phạm. Hành vi cướp biển phải được thực hiện ở biển cả hoặc nơi không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.

Hậu quả không được đề cập tới đề làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự bởi đây là tội phạm có cấu thành hình thức. Hành vi cướp biển có thể gây nhiều hậu quả khác nhau như: cản trở hoat động của tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, thiệt hại về tài sản trên các phương tiện hàng không, hàng hải bị xâm hại.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Khoản 4: Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Khoản 5: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 302. Tội cướp biển

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào;

b) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338