Language:
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264)
26/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Khách thể của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đối tượng tác động của tội phạm này là người điểu khiển và phương tiện giao thông đường bộ. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, nhưng họ là chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện giao thông đường bộ như: Chủ sở hữu xe mô tô giao cho người khác không có bằng lái xe mô tô điều khiển xe mô tô của mình hoặc một lái xe đã giao xe cho phụ xe mà người phụ xe không có bằng lái xe.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đối tượng tác động của tội phạm này là người điểu khiển và phương tiện giao thông đường bộ.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người  thực hiện hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là lý do vô ý có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Mặc dù là vô ý phạm tội, nhưng trước khi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội phải biết người mà mình giao cho phải là người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Nếu vì một lý do nào đó mà người phạm tội không biết người mà mình giao cho không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cũng không cấu thành tội phạm.

Cụ thể: Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng vẫn điều động.

Khi xác định đối tượng cũng được giao điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của tội phạm này, cần đối chiếu với quy định của Luật giao thông đường bộ về những điều kiện cần và đủ đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Những điều kiện này do Luật Giao thông đường bộ quy định.

Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi của người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ biết rõ một người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác.

Người phạm tội này, là người thực hiện hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ là giao phương tiện giao thông đường bộ cho những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trường hợp cho người khác mượn xe mô tô, xe máy mà biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nhưng vẫn cho mượn dẫn đến người mượn xe gây tai nạn làm chết người thì người cho mượn xe bị coi là người giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và bị truy cứu TNHS. Nếu có căn cứ cho rằng, người cho mượn xe không biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì họ không bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ngoài hành vi khách quan, đối vỡi tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Điều kiện đối với điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Các điều kiện này được quy định tại Luật giao thông đường bộ.

Hậu quả cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp hậu quả của tội phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Khoản 2: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Khoản 4 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338