Language:
Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả (Điều 202)
26/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm tem giả, vé giả và hành vi buôn bán tem giả, vé giả. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội làm, buôn bán tem giả, vé giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự  trong lĩnh vực quản lý việc in ấn, phát hành, buôn bán các loại tem, các loại vé theo quy định của Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm này là các loại tem, các loại vé do Nhà nước in ấn và phát hành dùng vào việc quản lý kinh tế.

 

Các loại tem do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hành tương đối nhiều như: Tem thư do Tổng cục bưu chính phát hành, tem hàng hoá do Bộ tài chính phát hành…; Các loại vé như: Vé tàu, vé xe, vé máy bay, vé xem bóng đá, vé sổ xố, vé thu phí cầu đường, vé xem phim, vé xem kịch….

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người thực hiện hành vi làm, buôn bán tem giả, vé giả là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho xã hội. Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội làm, buôn bán tem giả, vé giả bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.  

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm tem giả, vé giả và hành vi buôn bán tem giả, vé giả.

 

Người phạm tội làm tem giả, vé giả chỉ có một hành vi khách quan là làm ra các loại tem, các loại vé giả bằng nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau như: in ấn, sao chụp, vẽ hoặc bằng thủ khác để làm ra các loại tem, các loại vé giống như tem thật, vé thật nhằm đánh lừa người khác.

 

Hành vi làm tem giả, vé giả cũng tương tự như hành vi làm hàng giả, nhưng hàng giả ở đây lại là các loại tem, các loại vé, là loại hàng đặc biệt, loại hàng này có thể có giá trị đem mua bán, nhưng cũng có thể không đem mua bán được, nó chỉ có ý nghĩa xác định giá trị hàng hoá hoặc vật phẩm.

 

Người phạm tội buôn bán tem giả, vé giả có thể thực hiện một trong các hành vi như: Mua, xin, tàng trữ, vận chuyển tem giả, vé giả nhằm bán lại cho người khác; dùng tem giả, vé giả để trao đổi, thanh toán; dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán… lấy tem giả, vé giả để bán lại cho người khác. Nếu người phạm tội làm ra tem giả, vé giả rồi đem bán tem giả, vé giả đó thì không thuộc trường hợp buôn bán tem giả, vé giả mà họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội làm, buôn bán tem giả, vé giả.

 

Người thực hiện hành vi làm, hành vi buôn bán tem giả, vé giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;

 

Thứ hai, tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 

Thứ ba, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

Thứ tư, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Người phạm tội quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

- Khung 2: Người phạm tội quy đinh tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Tem giả, vé giả không có mệnh giá số lượng từ 30.000 đơn vị trở lên; Tem giả, vé giả có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 trở lên; Tái phạm nguy hiểm (xem bình luận Điều 188).

 

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cầm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 202. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả

1. Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đơn vị đến dưới 30.000 đơn vị;

b) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;

d) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338