Language:
Tội loạn luân (Điều 184)
13/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Tội loạn luân được quy định là cơ sở khoa học trong luật hình sự là xuất phát từ cơ sở khoa học của sự cần thiết phải tránh di truyền huyết thống thống có hại đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của con cái, cũng như do yêu cầu của việc bảo vệ đời sống hạnh phúc gia đình và thuần phong mĩ tục. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội loạn luân quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội loạn luân là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, là những người có quan hệ huyết thống, có cùng dòng máu trực hệ, là anh chi em cùng cha mẹ, anh chi em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Tội phạm này xâm phạm nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức mang tính nền tảng trong mối quan hệ gia đình cũng như xã hội. Ngoài ra, hành vi loạn luân còn gây ra những ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới sự phát triển của giống nòi do các đặc điểm về di truyền học.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, điều luật quy định người phạm tội biết rõ người giao cấu với mình có quan hệ đặc biệt như trên mà vẫn thực hiện hành vi giao cấu.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi giao cấu thuận tình với người cùng dòng máu về trực hệ: Cha với con, mẹ với con, ông với cháu, bà với cháu, giữa anh chị em cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau.

 

Hành vi giao cấu trong tội Loạn luân được thực hiện trên cơ sở thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên, giữa những người loạn luân biết rõ họ cùng dòng máu về trực hệ.

 

Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng dâm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015; trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Hình phạt:

 

Người phạm tội loạn luân có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 184. Tội loạn luân

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338