Language:
Tội phá thai trái phép (Điều 316)
15/08/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Phá thai trái phép là hành vi thực hiện việc phá thai cho người khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó. Đối tượng tác động của tội phạm này không phải là thai nhi, cũng không phải là tính mạng, sức khoẻ của người phụ nữ mang thai mà là các quy định của Nhà nước về phá thai. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội phá thai trái phép quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội phá thai trái phép là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Mặc dù hành vi phá thai trái phép liên quan đến hành vi chữa bệnh và các quy định của Nhà nước về chữa bệnh nhưng chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm có thể là bác sĩ, dược sĩ, thầy lang, thầy bói hoặc người dân bình thường...

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy, chủ thể của tội phá thai trái phép phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm:

Phá thai trái phép là hành vi thực hiện việc phá thai cho người khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó. Đối tượng tác động của tội phạm này không phải là thai nhi, cũng không phải là tính mạng, sức khoẻ của người phụ nữ mang thai mà là các quy định của Nhà nước về phá thai.

Mặt chủ quan của tội:

Người phạm tội thực hiện hành vi phá thai trái phép là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người này, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người này, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi phá thai trái phép.

Phá thai là một hình thức sử dụng phương pháp dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa để chấm dứt tình trạng thai nghén ở người phụ nữ. Việc bỏ thai được thực hiện bởi các cán bộ, bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao để đảm bảo an toàn.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ đưa ra quyết định phá thai như: Do lỡ mang thai ngoài ý muốn (không sử dụng biện pháp bảo vệ, bao cao su bị rách…), bị cưỡng bức, sức khỏe của người mẹ không đảm bảo…

Theo y học, phá thai an toàn chỉ áp dụng trong trường hợp sau: Thai có số tuổi nhỏ, không quá 7 tuần tuổi; Phôi thai đã di chuyển vào tử cung của người mẹ; Thai phụ có tình trạng sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lý như gan, rối loạn đông máu, viêm nhiễm phụ khoa, tim mạch, huyết áp, hen suyễn; Thai phụ không trong thời gian sử dụng corticoid, không dị ứng với các thành phần của thuốc phá thai.

Để thực hiện việc phá thai người phạm tội có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: cho uống thuốc để thai nhi chết, dùng các dụng cụ để lấy thai nhi ra ngoài dạ con của người phụ nữ…

Trái phép là không được phép của cơ Nhà nước có thẩm quyền. Nếu được phép phá thai nhưng do vi phạm các quy định về phá thai gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người mang thai thì không phải là hành vi phá thai trái phép, mà tuỳ trường hợp người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Người thực hiện tội phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả sau đây xảy ra:

(1) Làm chết người;

(2) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

(3) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

(4) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trường hợp hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra, người phạm tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 316. Tội phá thai trái phép

1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338