Language:
Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247)
08/06/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy. Đối tượng của tội này là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Người phạm Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

Khách thể của tội phạm:

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy. Đối tượng của tội này là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là do cố ý, chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý mặc dù đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm hoặc cố tình trồng số lượng lớn cây thuốc phiện, cây cần sa, cây côca.hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy và phải thỏa mãn một trong những điều kiện:

(1) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống.

(2) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(3) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống: "Đã được giáo dục 02 lần là" đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức, cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương vận động, thuyết phục, nhắc nhở từ hai lần trở lên về việc không được trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý hoặc phổ biến đường lối chính sách cũng như các quy định của pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý; "Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống là" đã được hỗ trợ về vốn để sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực thay thế cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: "Đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm là" trước đó đã có lần trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý và đã bị xử phạt một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý; "Đã bị kết án về tội này tức là" trước đây đã bị xử phạt hình sự, bị kết án phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, chưa hết thời hạn xóa án tích đã lại tiếp tục trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây: Đây là trường hợp trồng một số lượng cây lớn, coi việc trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa là công việc để kiếm sống. Việc trồng số lượng cây lớn như vậy sẽ làm một lượng lớn chất ma túy có mặt trên thị trường, xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về ma túy, xâm phạm đến định hướng loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi đất nước của Đảng và Nhà nước, gây mất trật tự an ninh an toàn xã hội. Trường hợp trồng số lượng cây dưới 500 cây chưa gây ra hậu quả đáng kể để phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội, nhưng chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất như: làm cho chính sách xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý của Nhà nước không thực hiện được hoặc làm cho tình trạng tái trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý đã được xóa bỏ. Những thiệt hại về vật chất cũng có thể xảy ra nhưng là những thiệt hại gián tiếp như gây thiệt hại đến ngân sách dành cho việc xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả có xảy ra hay không, không có ý nghĩa định tội mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Khoản 3 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Khoản 4: Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338