Language:
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186)
13/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định là hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, người phạm tội vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng với người bị hại theo một trong các quan hệ giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, cậu, chú, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.

Khách thể của tội phạm:

Tội phạm này xâm phạm quyền được nuôi dưỡng của người khác, vi phạm trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi là do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc là lỗi cố ý gián tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh việc cấp dưỡng. Tuy nhiên, tội phạm là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ nghĩa vụ của mình nên đã từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thậm chí một số người còn cho rằng mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà nghĩa vụ đó là của người khác.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi từ chối hoặc hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại các điều từ Điều 107 đến Điều 120 Chương VI của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa: cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.

Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Hành vi trốn tránh là việc tìm mọi thủ đoạn để thoái thác, lảng tránh, trì hoãn việc cấp dưỡng hoặc đưa tiền cấp dưỡng rất không đáng kể so với mức cấp dưỡng được ấn định trong quyết định của Tòa án. Hành vi từ chối thể hiện việc phủ nhận một cách công khai, rõ ràng, không lẫn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật… Trong trường hợp chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng như trên thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà còn vi phạm thì cũng được coi là tội phạm.

Trong quá trình diễn ra điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này cần lưu ý, nếu đã có bản án, quyết định của Tòa án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội không chấp hành án.

Hậu quả là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe là dấu hiệu bắt buộc.

Hình phạt:

Người phạm tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338