Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Khách thể của Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, mà cụ thể là quy chế về khu vực biên giới. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới quy định tại Điều 346 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật Hình sự. Như vậy chủ thể của Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, mà cụ thể là quy chế về khu vực biên giới. Việc cư trú, đi lại hoặc các vấn đề khác về khu vực biên giới được Chính phủ quy định rất cụ thể và được các cấp chính quyền địa phương vùng biên phổ biến cho nhân dân. Do tính chất của vùng biên, nên Nhà nước phải quy định việc cư trú, đi lại… khác với các vùng dân cư khác. Vì là quy chế, nên nó không phải là quy định có tính bắt buộc chung cho tất cả các vùng mà chỉ có tính bắt buộc trong phạm vi vùng biên giới theo Điều 6 Luật Biên giới quốc gia.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Dù điều luật không quy định người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới do cố ý hay vô ý, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể khẳng định người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, vì trước đó người phạm tội đã có hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới, họ đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới.
Vi phạm quy định về cư trú khu vực biên giới là không chấp hành hoặc chấp hành không đúng những quy định về cư trú ở khu vực biên giới. Theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP quy định về quy chế khu vực đất liền, người được cư trú ở khu vực biên giới và không được cư trú tại biên giới.
Vi phạm quy định về đi lại khu vực biên giới là không chấp hành hoặc chấp hành không đúng những quy định về việc đi lại ở khu vực biên giới. Quy định về đi lại khu vực biên giới được quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP như:
- Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật.
- Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy phép của cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an tỉnh biên giới đất liền nơi đến cấp;
- Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức chủ quản; cán bộ đi cùng phải có giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, đồng thời cơ quan, tổ chức phải thông báo cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ;
- Trường hợp người nước ngoài đi trong các đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới đất liền, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan mời hoặc làm việc với Đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết, đồng thời cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn.
- Những người không thuộc những trường hợp nêu trên và những người không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền thì không được đi vào khi vực biên giới đất liền.
Ngoài ra, người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới đất liền phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Vi phạm các quy định khác về khu vực biên giới là hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác như: quay phim, chụp ảnh, ghi hình, vẽ cảnh vật; làm hư hỏng, xê dịch cột mốc biên giới, dấu hiệu đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm; làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới; xâm canh, xâm cư qua biên giới; bắn súng qua biên giới, gây nổ, đốt nương rẫy trong vành đai biên giới; vượt biên giới quốc gia trái phép, chứa chấp, chỉ đường, chuyên chở, che giấu bọn buôn lậu vượt biên giới trái phép; khai thác trái phép lâm thổ sản và các tài nguyên khác; buôn lậu, vận chuyển trát phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma túy, văn hóa phẩm độc hại và hàng hóa cấm nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới. Săn bắn thú rừng qúy hiếm, đánh bắt cá bằng vật liệu nổ, kích điện, chất độc và các hoạt động gây hại khác trên sông, suối biên giới; Thải bỏ các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường hệ sinh thái; làm mất trật tự, trị an ở khu vực biên giới.
Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Trường hợp người thực hiện hành vi khác quan đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 3: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
1. Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338