Language:
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230)
23/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xâm phạm đến chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là người có năng lực trách nhiệm hình sự, là chủ thể đặc biệt đó là người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thu hồi đất, đền bù, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chẳng hạn: cán bộ địa chính xã, trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng…

Khách thể của tội phạm:

Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xâm phạm đến chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất; Tội phạm này còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào các chính sách, việc thực hiện các chính sách của nhà nước về thu hồi đất nói riêng, các chính sách quản lý kinh tế nói chung.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có cấu thành lỗi là cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, cho người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện. Động cơ, mục đích: người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì nhiều mục đích khác nhau, có thể vì mối quan hệ với người sử dụng đất, có tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với diện tích đất thu hồi. Thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ, mục đích vụ lợi.

Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất này bao gồm 02 dạng hành vi: (1) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm các quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư; (2) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

Theo đó, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư có thể là:

(1) không bồi thường về đất, không hỗ trợ và tái định cư hoặc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thấp hơn diện tích đất, các khoản hỗ trợ, tái định cư mà người sử dụng đất được bồi thường về đất, hỗ trợ gây thiệt hại cho người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi;

(2) bồi thường về đất không đúng loại đất có cùng mục đích sử dụng với diện tích đất thu hồi, bồi thường vượt quá diện tích đất thu hồi, hỗ trợ và tái định cư cao hơn tiêu chuẩn mà người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước hoặc người sử dụng đất;

(3) áp dụng bồi thường bằng tiền cho diện tích đất thu hồi không đúng theo giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

(4) áp dụng bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cho những trường hợp thu hồi đất không đủ điều kiện được bồ thường về đất, không được áp dụng các khoản hỗ trợ, tái định cư…

Còn hành vi vi phạm quy định về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh có thể là (1) không bồi thường, bồi thường thấp hơn giá trị tài sản, chi phí di chuyển tài sản khi thu hồi đất, khoản bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn thuộc các công trình công cộng, an ninh, quốc phòng mà không thu hồi đất; (2) bồi thường vượt giá trị thiệt hại tài sản, chi phí di chuyển tài sản, chi phí phát sinh khác khi thu hồi đất; (3) bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất không thuộc diện được bồi thường về tài sản do thu hồi đất; (4) bồi thường về tài sản cho những tài sản có thể di chuyển làm tăng chi phí bồi thường.

Ngoài hai dạng hành vi chính nêu trên, tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất còn có các dạng hành vi vi phạm khác như (1) chậm chi trả tiền bồi thường, thực hiện bồi thường đất, các khoản bồi thường khác làm phát sinh khoản đền bù do chậm thực hiện bồi thường, các chi phí, thiệt hại khác của người sử dụng đất do việc chậm thực hiện bồi thường gây ra; (2) không khấu trừ khoản tiền tương ứng với nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước của người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi làm thất thoát khoản nghĩa vụ tài chính này.

Những hành vi nêu trên gây ra những thiệt hại về tài sản cho nhà nước và cho người dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tội phạm này có cấu thành vật chất. Hậu quả thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Hậu quả được xác định là thiệt hại về tài sản. Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại cho ngân sách nhà nước do tăng chi phí bồi thường hoặc thiệt hại về tài sản của người sử dụng đất do việc phát sinh chi phí, thất thoát tài sản hay được bồi thường thấp hơn so với thực tế.

Hình phạt:

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

- Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338