Language:
Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224)
18/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý nhà nước về đầu tư công trình xây dựng và thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người và tổ chức có liên quan đến công trình xây dựng. Đối tượng của tội phạm là các công trình xây dựng và dự án đầu tư công trình xây dựng. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Đây là tội phạm đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt, chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn. Cụ thể, chỉ những có chức vụ quyền hạn đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt, quyết định, thiết kế, giám sát, lựa chọn nhà thầu… trong đầu tư công trình xây dựng.

 

Trong đó, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Người có quyền hạn có thể là người có hoặc không có chức vụ, nhưng được giao cho quyền hạn nhất định về lĩnh vực đó. Người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc đầu tư công trình xây dựng,  nếu họ không có trách nhiệm trong việc đầu tư công trình xây dựng thì cũng không thể là chủ thể của tội này được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý nhà nước về đầu tư công trình xây dựng và thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người và tổ chức có liên quan đến công trình xây dựng. Đối tượng của tội phạm là các công trình xây dựng và dự án đầu tư công trình xây dựng.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường người phạm tội này vì vụ lợi.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi khách quan của tội phạm có thể là một trong các dạng hành vi sau:

 

(1) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật xây dựng, ví dụ: người phạm tội là đại diện theo pháp luật đối với cơ quan nơi mình công tác (người quyết định đầu tư) đã phê duyệt dự án và quyết định đầu tư xây dựng trong khi biết rõ dự án không đáp ứng mục tiêu và hiệu quả.

 

(2) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng, ví dụ: Người phạm tội biết rõ các giải pháp thiết kế công trình không phù hợp với công năng sử dụng của công trình, mức độ an toàn của công trình nhưng vẫn phê duyệt thiết kế.

 

(3) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện, năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng, ví dụ: người phạm tội chọn nhà thầu thi công không đủ năng lực và thiếu kinh nghiệm dẫn đến công trình kém chất lượng, nguy cơ cháy, nổ cao.

 

(4) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình, ví dụ: người phạm tội (là đại diện nhà thầu giám sát thi công) đã thông đồng với nhà thầu thi công xây dựng để xây dựng công trình được thi công sai với thiết kế ban đầu dẫn đến công trình có nguy cơ mất an toàn cao và kém chất lượng.

 

Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi kể trên. Trên thực tế, người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các hành vi kể trên.

 

Hành vi đã thực hiện bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng nếu dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quy định về Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224) cũng có sai sót tương tự như khi quy định về Điều 220, Điều 221, Điều 222, Điều 223. Tội danh quy định tại Điều 224 thể hiện đây là tội phạm có cấu thành vật chất vì có cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, dấu hiệu định tội của tội phạm lại được quy định thiếu thống nhất với tên tội.

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả làm thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm xảy ra. Nếu hậu quả của tội phạm chưa nghiêm trọng theo quy định của Điều 224 Bộ luật Hình sự, người phạm tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu từ xây dựng.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc trường hợp Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật Xây dựng; Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng; Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.

 

- Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 12 năm thuộc trường hợp phạm tội Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

 

- Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm thuộc trường hợp phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

 

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật Xây dựng;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng;

c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;

d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338