Language:
Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay (Điều 277)
07/07/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Khách thể của Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay là trật tự an toàn giao thông đường hàng không. Đối tượng tác động của tội phạm này là tàu bay. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chỉ huy hoặc điều khiển tàu bay mới là chủ thể của tội phạm này.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay là trật tự an toàn giao thông đường hàng không. Đối tượng tác động của tội phạm này là tàu bay. Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường không cụ thể là vi phạm quy định về chỉ huy bay và vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay.

Người chỉ huy tàu bay là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.

Người chỉ huy tàu bay có quyền cao nhất trong tàu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong thời gian tàu bay đang bay.

Vi phạm quy định về chỉ huy bay là hành vi của người chỉ huy tàu bay, người chỉ huy tàu bay đã làm hoặc không làm theo đúng nghĩa vụ của họ.

Người chỉ huy tàu bay còn có quyền quyết định về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp. Do đó, vi phạm quy định về chỉ huy bay còn có thể là việc người chỉ huy tàu bay quyết định không đúng  về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp. Cụ thể:

- Trong trường hợp cần tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp đe doạ an toàn bay, người chỉ huy tầu bay có quyền không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay hoặc chỉ dẫn của cơ quan không lưu, nhưng vẫn phải hành động phù hợp với quy tắc không lưu và phải báo cáo ngay với cơ quan không lưu thích hợp.

- Trong thời gian bay, người chỉ huy tầu bay có quyền tạm giữ người có hành vi phạm tội, hành vi vi phạm trật tự, kỷ luật trong tầu bay hoặc chống lại mệnh lệnh của người chỉ huy và phải chuyển giao người đó cho nhà chức trách có thẩm quyền khi tầu bay hạ cánh tại sân bay gần nhất.

- Trong trường hợp cấp thiết cần bảo đảm an toàn chuyến bay, người chỉ huy tầu bay có quyền quyết định xả bớt nhiên liệu, vứt bỏ hành lý, hàng hoá, bưu kiện, bưu phẩm theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, người chỉ huy tầu bay có quyền ra những mệnh lệnh cần thiết đối với mọi người trong tầu bay cho tới khi chuyển giao trách nhiệm cho nhà chức trách có thẩm quyền.

Hành vi vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay là hành vi vi phạm của người lái chính, lái phụ, dẫn đường trên không, cơ giới trên không và khai thác vô tuyến trên không.

Người điều khiển tàu bay có nghĩa vụ tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy tàu bay và không được rời tàu bay khi chưa có lệnh của người chỉ huy tàu bay.

Vi phạm quy định về điều khiển tàu bay có thể là hành vi không tuân thủ mệnh lệnh của người chủ huy hoặc rời tàu bay khi chưa có mệnh lệnh.

Ngoài ra, người điều khiển tầu bay còn có thể vi phạm những quy định về an toàn bay khác tuỳ thuộc vào nhiệm vụ của mình.

Trái ngược hoàn toàn với các tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ, đường sắt hay đường thủy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay. Vì tính chất đặc biệt quan trọng của sự an toàn trên các chuyến bay mà tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Hình phạt:

- Khoản 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Khoản 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 277. Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay

1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338